Dịch vụ công ‘đặc biệt’ hỗ trợ DN, người dân 

(Chinhphu.vn) - Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất phát từ mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân, DN, hoạt động thanh toán điện tử được đẩy mạnh, nhiều dịch vụ công “đặc biệt” nhằm hỗ trợ DN, người dân đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG).

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Triển khai thanh toán trực tuyến trên toàn quốc từ tháng 6

Giới thiệu tại hội nghị trực tuyến “Cổng DVCQG và những lợi ích cho DN” sáng 19/5, ông Nguyễn Đình Lợi, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, xuất phát từ mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân, DN, tính năng thanh toán trực tuyến đã được quan tâm, thiết kế từ rất sớm trên Cổng DVCQG để hỗ trợ quá trình đóng thuế, phí, và nghĩa vụ thanh toán khác của người dân, DN.

Chia sẻ về hệ thống này, ông Nguyễn Đình Lợi nêu, Chính phủ đóng vai trò nền tảng, hỗ trợ cộng đồng DN ở một số khía cạnh như xây dựng nền tảng định danh xác thực dùng chung cho bộ, ngành, địa, phương. Cụ thể, Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, bao gồm nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước tháng 3/2020, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai, tuy nhiên với khu vực hành chính công chưa có hiệu quả. Nguyên nhân đã được chỉ ra, mà quan trọng nhất là thiếu hành lang pháp lý, chưa có nền tảng thanh toán tập trung, gây ra lãng phí về nguồn lực, thời gian. Đối với người dân, DN khi thực hiện dịch vụ công tại một số địa phương không có nhiều lựa chọn để thanh toán trực tuyến.

Về quy trình, cách thức thanh toán, Cổng DVCQG đóng vai trò cầu nối kỹ thuật, kết nối cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương, cho phép DN, người dân sử dụng 3 cách thức thanh toán. Cách thứ nhất là thanh toán trên Cổng DVCQG. Cách thứ hai là thanh toán trên trang cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương. Cách thứ 3 đang được phát triển là thanh toán trên giao diện của các trung gian thanh toán.

Ông Lợi nêu ví dụ về lợi ích thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG qua nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể, qua thông tin trên biên bản vi phạm giao thông có thể tra cứu thông tin về quyết định xử phạt, về số tiền nộp phạt… từ đó tiết kiệm thời gian trực tiếp đến cơ quan công an để nhận quyết định. Công dân có thể thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG qua các ngân hàng đã được tích hợp, hoặc trung gian thanh toán như ví điện tử Momo, VNPTPay…

Kết quả triển khai thanh toán điện tử đang được tập trung ở nhóm liên quan đến các bộ, ngành. Cụ thể đã kết nối với Bộ Công an, Bộ GTVT trong thu phạt trực tuyến vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ; kết nối với các tỉnh, thành phố gồm An Giang, Quảng Bình, Ninh Bình, Bình Định; kiểm thử triển khai chính thức tại Khánh Hòa, Kon Tum, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Lạng Sơn… và đang phát triển tại Thanh Hóa, Tây Ninh, Trà Vinh, Tuyên Quang…

Dự kiến trong tháng 6 tới hoàn thành kết nối thanh toán điện tử với tất cả các bộ, địa phương, bao gồm cả việc thu phạt trực tuyến vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.

Nhiều thuận lợi khi thực hiện trên Cổng DVCQG

Từ ngày 12/5, Cổng DVCQG cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do dịch COVID, bao gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế DN; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đây là những dịch vụ công “đặc biệt” để hỗ trợ người dân, DN trong và sau đại dịch COVID-19 và là nội dung được rất nhiều DN quan tâm, muốn tìm hiểu chi tiết. Tại hội nghị, đại diện của Tổng cục Thuế và Bộ LĐTB&XH đã giới thiệu đến DN một số dịch vụ công này.

Hướng dẫn thủ tục “Kê khai gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất” trên Cổng DVCQG, bà Nguyễn Thu Trà, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ kịp thời cho DN và người nộp thuế chịu tác động bởi dịch COVID-19.

Ngay sau Nghị định ban hành, Tổng cục Thuế đã triển khai tờ khai gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trên hệ thống thuế điện tử của Tổng cục. Ngày 28/4, Tổng cục Thuế đã phối hợp với VPCP, VNPT tích hợp hai chức năng này lên Cổng DVCQG.

Như vậy, DN và cá nhân có 2 kênh để thực hiện gia hạn nộp thuế, đó là qua cổng thuế điện tử của cơ quan thuế và qua Cổng DVCQG.

Khi đăng nhập qua Cổng DVCQG, DN, người dân có thể thực hiện không chỉ dịch vụ công ngành thuế mà còn các ngành khác, lại không phải đăng nhập lại lần hai. Đây là ý nghĩa của Cổng DVCQG khi mang lại thuận lợi cho người sử dụng.

Bà Trần Thị Liễu, Trưởng Phòng Kế hoạch-Thống kê (Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ LĐTB&XH) cũng hướng dẫn DN thực hiện 2 quy trình “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” và “Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động” thông qua Cổng DVCQG.

Theo bà Liễu, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với VPCP xây dựng quy trình mô tả DN đăng nhập trên Cổng DVCQG để thực hiện các thủ tục nêu trên.

Điểm thuận lợi khi DN thực hiện thủ tục qua Cổng DVQG so với nộp hồ sơ ở cấp huyện là: DN không phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận với người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ rút ngắn thủ tục từ 3 ngày xuống còn 1 ngày, DN không phải đến cơ quan cấp huyện để nộp hồ sơ.

Khi nộp hồ sơ trên Cổng DVCQG thì danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được DN thực hiện ký số bằng chữ ký điện tử của DN (chưa cần có xác nhận của cơ quan bảo hiểm). Cổng DVCQG sẽ thực hiện kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện xác nhận trực tuyến.

“Như vậy, DN có thuận lợi là giảm chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian, giấy tờ và tránh tiêu cực phát sinh”, bà Liễu cho biết.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc cung cấp các thủ tục để hỗ trợ người dân, DN trong và sau đại dịch COVID-19 thể hiện sự triển khai kịp thời, quyết tâm của VPCP cùng các cơ quan, bộ ngành để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước. 5 dịch vụ này rất quan trọng, thúc đẩy việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, chính xác và hạn chế vấn đề gian lận, trục lợi chính sách.

Gia Huy

533 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1395
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1395
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87156201