Đoàn công tác của Bộ NN&PNNT kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP tại Thanh Hóa (Ảnh: KL)

Toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được tiêu hủy

Tại tỉnh Hưng Yên, từ ngày 1-27/2, bệnh DTLCP xảy ra tại 35 hộ, 9 thôn của 7 xã gồm: xã Trung Nghĩa thuộc thành phố Hưng Yên; xã Yên Hòa, Đồng Than thuộc huyện Yên Mỹ; xã Bãi Sậy thuộc huyện Ân Thi; 2 xã Nghĩa Dân và Đức Hợp thuộc huyện Kim Động. Toàn bộ 1.628 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn (với trọng lượng tiêu hủy hơn 140.526 kg).

Tại tỉnh Thái Bình, từ ngày 13-27/2, bệnh DTLCP xảy ra tại 36 hộ, 9 thôn của 5 xã (gồm các xã: Đông Đô, Tây Đô thuộc huyện Hưng Hà; Lô Giang thuộc huyện Đông Hưng; Đông Hải và An Dục thuộc huyện Quỳnh Phụ). Toàn bộ 370 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

DTLCP đã xảy ra tại Thành phố Hải Phòng từ ngày 18-27/2 tại 20 hộ, 12 thôn, 5 xã (gồm: Chính Mỹ, Đông Sơn, Lưu Kiểm và Liên Khê của huyện Thủy Nguyên; xã Nam Hưng của huyện Tiên Lãng). Toàn bộ 231 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Tại Thanh Hóa, từ ngày 23-27/2, bệnh DTLCP xảy ra tại hộ ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định. Toàn bộ 226 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Tại Hà Nam, ngày 27/2, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi lợn rừng tại xã Văn Xã, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Ngay khi nhận được thông tin dịch bệnh xảy ra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương triển khai ngay việc tiêu hủy toàn bộ số lợn dương tính với bệnh DTLCP. Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao. Thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch.

Đồng thời, tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm lợn của các hộ chăn nuôi xung quanh hộ có dịch, chỉ đạo công bố dịch bệnh và triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định.

Bên cạnh đó, Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh có kết quả âm tính với dịch bệnh, một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y triển khai xử lý, tiêu hủy ngay.

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực có DTLCP (Ảnh: KL)

Không để phát sinh các ổ dịch mới

Nhằm thực hiện phòng, chống DTLCP trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, đối với các tỉnh, thành phố có bệnh DTLCP, tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...).

Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở.

Cùng với đó, chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm có thẩm quyền để xét nghiệm, xác định chính xác tác nhân gây bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật. Duy trì và kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y để bảo đảm các yêu cầu tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi địa bàn cấp tỉnh có dịch bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.

Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh. Bố trí các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn.

Đối với các tỉnh, thành phố chưa có bệnh DTLCP, Bộ NN&PTNT yêu cầu tổ chức, giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh DTLCP.

Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết,... tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.

Đối với các địa phương có biên giới giáp với các nước, có cửa khẩu quốc tế, sân bay, bến cảng chỉ đạo chính quyền các cấp và cơ quan liên quan của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, sân bay, cảng biển đối với lợn, sản phẩm lợn, người và phương tiện từ các nước vào Việt Nam. Đặc biệt đối với các nước có DTLCP và những địa bàn có hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép vào Việt Nam.

Các Trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông, đặc biệt các Trạm kiểm dịch trên trục đường giao thông từ phía Bắc vào phía Nam tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn. Nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết,... lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.

Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào vùng có dịch, đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, Trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông.

Ngoài ra, các cơ quan thú y địa phương tổ chức lấy mẫu lợn, sản phẩm lợn gửi Phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh, nhất là DTLCP./.

BT