|
Cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Đàn lợn đạt 81% so với trước khi có dịch
Tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 3/9, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau thời kỳ cao điểm của dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng bảo đảm an toàn sinh học. Thời gian qua, tốc độ tái đàn lợn của các địa phương rất nhanh, góp phần đưa giá lợn hơi dần xuống mức hợp lý.
Tính đến cuối tháng 7/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018). Trong đó, có 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Đứng đầu là Bình Phước đạt 164,7%; tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Ninh Thuận... Có 9 tỉnh có tỉ lệ tái đàn từ 90 đến dưới 100%, trung bình tái đàn 94,3% so với thời điểm 31/12/2018; có 20 tỉnh, thành phố tỉ lệ tái đàn đạt từ 70 đến dưới 90%. Nhóm 4 gồm 22 tỉnh, thành phố với tỉ lệ tái đàn dưới 70%. “Dự kiến, đến cuối quý III, đầu quý IV/2020, cung-cầu thịt lợn sẽ gặp nhau, giá lợn hơi sẽ đưa về mức hợp lý, bảo đảm lợi ích người tiêu dùng, đồng thời vẫn giúp người chăn nuôi có lãi”, ông Trọng nói.
Là một trong những địa phương có tốc độ tái đàn lợn tương đối cao, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng đàn heo của tỉnh hiện đại 2,093 con, giảm 19% so với cùng kỳ, trong đó có 220.000 nái sinh sản, 91.000 nái hậu bị, chăn nuôi trang trại chiếm 90%.
“Chúng tôi chủ trương khuyến khích phát triển đàn lợn đối với các doanh nghiệp có điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật tốt, bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi muốn tái đàn, phát triển đàn lợn cần liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi để được hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, sản xuất bền vững”, ông Chánh nói.
Là địa phương có tốc độ tái đàn lợn nhanh nhất cả nước, lên tới 164% so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi, đến nay, tỉnh Bình Phước có quy mô đàn lợn 1,2 triệu con, với 287 trang trại.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, để đạt được kết quả này, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ kịp thời các trang trại, doanh nghiệp thực hiện việc tái đàn lợn bằng những cơ chế, chính sách thiết thực, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển, giết mổ lợn trái phép để phòng chống dịch bệnh, những ổ dịch mới phát sinh được khống chế kịp thời.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, công tác tái đàn lợn của doanh nghiệp tương đối tốt, hiện, đàn lợn đạt 2,7 triệu con. Hiện, CP đang hỗ trợ người dân tái đàn, kiểm soát dịch bệnh tốt ở những trang trại vệ tinh.
“Những trang trại được CP hỗ trợ phòng chống dịch tả lợn châu Phi từ khi dịch bùng phát đến nay vẫn bảo đảm an toàn 100%”, ông Tuấn nói.
|
Cục Chăn nuôi dự báo đầu quý IV sẽ cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Cẩn trọng với dịch tái bùng phát
Trong bối cảnh tốc độ tái đàn lợn của các địa phương tương đối nhanh, quy mô đàn lợn ngày càng lớn, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo người dân, các trang trại cần đặc biệt lưu ý tình hình dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ quay trở lại.
Theo thống kê của Cục Thú y, từ ngày 1/1/2020 đến 31/8/2020, cả nước xảy ra 1.008 ổ dịch tả lợn châu Phi (bao gồm 531 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020), 27 ổ dịch phát sinh mới, 450 ổ dịch tái phát tại 248 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 43.150 con, tổng trọng lượng khoảng 2.157 tấn.
Hiện, cả nước còn 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 8.923 con, cả nước đã có 98% số xã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi tái đàn, tăng đàn lợn.
“Do virus dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, hiện chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới, việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng, thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, các địa phương, doanh nghiệp, người dân không được chủ quan, lơ là”, ông Đông nhấn mạnh.
Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống; tổ chức giám sát, cảnh báo nguy cơ các bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi... Chỉ đạo các địa phương triển khai tháng sát trùng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, vượt qua nhiều khó khăn do dịch bệnh, 8 tháng năm 2020, ngành chăn nuôi vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 6,3% và rất toàn diện, đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, tỉ lệ dịch bệnh thấp. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp tham gia rất nhiệt tình.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, thời gian tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc gia cầm là rất lớn do tổng đàn đang phát triển nhanh, thời tiết diễn biến phức tạp.
“Các địa phương phải tăng cường công tác vệ sinh thú y, bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học để ứng phó với dịch bệnh với phương châm phòng là chính, tiêu độc khử trùng là biện pháp hiệu quả, bảo vệ thành quả ngành chăn nuôi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đỗ Hương