Địa phương nào cần, Chính phủ mang tiền đến 

(Chinhphu.vn) - Cho biết Quốc hội đã trao quyền trong việc điều chuyển vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không để trì trệ xảy ra tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, “địa phương nào không tiêu hết tiền, Chính phủ điều động, địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng ngày 18/7, tại TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung và Vùng Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KT-XH và giải quyết các kiến nghị của địa phương.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo một số bộ, ngành, 12 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên và các hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp lớn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, miền Trung như chiếc đòn gánh, gánh 2 đầu đất nước, đã tích cực trong phòng chống COVID-19, đóng góp vào thành công của cả nước. Tuy nhiên, trong khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên bị thiệt hại lớn về kinh tế.

Do đó, theo Thủ tướng, hội nghị hôm nay là để lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống, bảo đảm tăng trưởng cần thiết, giải quyết việc làm. Cỗ máy kinh tế như cỗ xe tam mã với 3 con ngựa kéo là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, “chúng ta suy nghĩ để xử lý các thành tố này để có sự tăng trưởng cần thiết ở địa phương”, Thủ tướng nói.

Ông nhắc lại tiềm năng rất lớn của các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc… Con người miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ trong hành động.

“Không chỉ trong kháng chiến, nơi hy sinh nhiều nhất là ở khu vực này, mà trong hòa bình, trong phát triển kinh tế, chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp như vậy”, Thủ tướng nêu rõ.

“Một mảnh đất mà anh hùng liệt sỹ hy sinh lớn nhất nước trong kháng chiến nay phải nhanh chân hơn, tiến bước hợp tác cùng nhau phát triển”, đặc biệt vực dậy các loại hình kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Chính quyền cùng hòa chung hơi thở, cùng hòa chung nhịp đập, cùng một tiếng nói để giải quyết tốt việc làm, tạo sinh kế mới, sinh khí mới, niềm tin cùng phát triển trong lúc thế giới và đất nước đang gặp khó khăn.

“Làm gì để đầu tư phát triển nếu không có môi trường đầu tư tốt và cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng”, Thủ tướng đặt vấn đề và lấy ví dụ về TP. Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa vừa qua tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thành công, thu hút nhiều tỷ USD. “Biết bao nhà đầu tư trong nước đang mong chờ nếu chúng ta muốn thu hút, tạo điều kiện cho họ. Biết bao dự án đang không hoạt động nếu chúng ta không tháo gỡ”.

Các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp, đã khó khăn mà làm chậm chạp, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương cũng như thu hút các dự án mới. Thủ tướng nêu rõ, Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng trong việc điều chuyển vốn giữa các địa phương.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Với tinh thần cởi mở, đi thẳng vào vấn đề, Thủ tướng mong muốn được nghe “các ý kiến, hiến kế và quyết tâm của các đồng chí, các hiệp hội, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các học giả, các chuyên gia, doanh nhân, nhất là các bộ, địa phương ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, làm sao bứt phá trong 6 tháng, phương pháp chỉ đạo nào, tổ chức thực hiện ra sao để cuối năm nỗ lực đạt cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho từng địa phương”.

Không kêu nghèo kể khổ, các đại biểu nêu rõ các giải pháp tháo gỡ, “một quyết tâm mới, chỉ có ý chí mới làm được mà thôi”; đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng, những giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố, vùng, liên vùng, khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ logistic… khi mà sản phẩm đầu ra của Tây Nguyên phải qua miền Trung.

Hội nghị cũng thảo luận về phát triển văn hóa, xã hội, con người, đặc biệt cần quan tâm hỗ trợ đối tượng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng không thuộc đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Thủ tướng mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tháo gỡ có giá trị để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, không để tình trạng trì trệ, nhất là chính sách đột phá, táo bạo có thể thực thi ngay.

Với các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, không than khó kể khổ mà dành thời gian để hiến kế, chia sẻ khả năng, cam kết của mình có thể làm gì đóng góp cho miền Trung – Tây Nguyên. Với các bộ, ngành, phải đưa ra các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho miền Trung – Tây Nguyên.

Thủ tướng nêu rõ, các địa phương cần đưa ra cam kết đồng hành với Chính phủ, khắc phục tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo điều hành để phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của tỉnh nhà cũng như cả nước. “Địa phương nào không tiêu hết tiền, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều động hay địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tháng 8 trình Thủ tướng việc điều chuyển vốn từ những địa phương không giải ngân được sang những nơi đang cần tiền để xử lý những công trình, dự án.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, GRDP của vùng KTTĐ miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng KTTĐ duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là TP. Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%. Đây cũng chính là 3 địa phương có tỷ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng. Thương mại, dịch vụ là một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế  địa phương, chiếm trên 42% GRDP. Trong 6 tháng đầu năm thì ngành dịch vụ giảm 4,81%.

Về giải ngân, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 30/6/2020, giải ngân vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 của 7 địa phương miền Trung là 13.013 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm trên 60%.

Tỷ lệ giải ngân trên 40% có 1 địa phương là TP. Đà Nẵng, từ 30-40% có 4 địa phương là Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên; tỷ lệ dưới 30% có Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với Tây Nguyên, tăng trưởng GRDP 6 tháng của vùng đạt 2,72%, đứng thứ hai sau Vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%) và cao hơn mức tăng trưởng của hầu hết các Vùng KTTĐ, không địa phương nào trong Vùng có tốc độ tăng trưởng âm.

Khu vực nông nghiệp của vùng là điểm sáng trong phát triển kinh tế với mức tăng bình quân 6 tháng cao hơn so với cùng kỳ 2019 và cao nhất so với các vùng trong cả nước. Với cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng chiếm 33% trong tổng GRDP của vùng, duy trì mức tăng trưởng cao của ngành trong quý II cao hơn quý I đã bù lại sự suy giảm của các ngành khác và duy trì phát triển chung của vùng.

Nhìn chung các tỉnh Tây Nguyên có tốc độ giải ngân vốn cao hơn so với cùng kỳ và nhưng vẫn chưa đáp yêu cầu đặt ra, chỉ đạt hơn 31% và thấp mức bình quân cả nước, tổng vốn còn tiếp tục giải ngân 6 tháng cuối năm của vùng còn hơn 9.758 tỷ đồng, số vốn ngân sách Trung ương cần tiếp tục phân bổ chi tiết cho các dự án là 1.136 tỷ đồng.

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc này.

Đức Tuân

234 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1006
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1006
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87207470