Dù bây giờ đã có sự hỗ trợ đặc biệt của khoa học kỹ thuật nhưng công việc “
tìm thần chết” thì thời nào cũng đầy hiểm nguy, không có cơ hội để... rút kinh nghiệm. Vậy nên, có không ít bạn đọc đã hỏi tôi: “Cớ sao, họ cứ phải “đi tìm... thần chết”?
Phải, ban đầu, không ít người tìm đến công việc vì... miếng cơm manh áo. Nhưng việc cơm áo chỉ là suy nghĩ của buổi đầu. Khi đã vào việc, hằng ngày, hằng giờ đối diện với bom mìn, với những nạn nhân bom mìn... những ý nghĩ thiêng liêng hơn đã lớn dần lên khi họ nghĩ tới công việc đầy bổn phận của mình.
“Khi chúng tôi thấu hiểu nỗi đau của thời hậu chiến, thấu hiểu sự mất mát mà những tiếng bom giữa thời bình mang đến..., chúng tôi đã không còn sợ hãi trước công việc của mình. Bởi, chúng tôi biết mỗi thước đất mà chúng tôi đi qua, đang từng ngày “xanh” lại. Nơi đó, người nông dân đã có thể mải miết cấy cày, đám trẻ nhỏ tha hồ chăn trâu cắt cỏ...”, anh Đinh Ngọc Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, đã từng chia sẻ đầy hình ảnh như thế.
Ngoài những tai nạn nhẹ, cũng đã có cán bộ
rà phá bom mìn ngã xuống giữa thời bình, ngay trên hiện trường. Cái chết của ông Ngô Thiện Khiết, một đội trưởng xuất sắc của tổ chức rà phá bom mìn Renew/NPA giữa tháng 5.2016 sau một vụ
nổ bom bi, không những mang đến một sự tiếc thương, đau đớn mà còn là lời nhắc nhở sự cẩn trọng hơn trong từng thao tác và sự tiếp bước của đồng đội, để sự hy sinh ấy không hoài phí...
Với đội ngũ ngày càng được huấn luyện chuyên nghiệp và sự hỗ trợ của các cấp... phần thắng trong những cuộc “đối đầu với thần chết” dần nghiêng về phía họ. Nhưng riêng ở Quảng Trị, sau hàng chục năm nỗ lực, mới làm sạch được 21,3% trong diện tích ô nhiễm bom mìn lên tới 441 triệu m2. Vậy nên, cuộc “đối đầu” này hẳn còn dai dẳng và cần những con người gan dạ, dũng cảm, có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”...
NGUYỄN PHÚC