Hàng nghìn viên đá cuội trong di tích vừa bị kẻ gian dùng xe múc đào bới lên toàn bộ để lấy đá, đã làm hư hỏng thành lăng, di tích bị phá tan hoang bốn phía.
Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ Lê Đức Thọ, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị đề nghị cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc, truy tìm những đối tượng phá hoại di tích, xử lý theo quy định pháp luật.
Toàn khu vực bảo vệ di tích rộng 1.200m2 bị đào bới tan hoang.
Hồ sơ khoa học của Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Lăng mộ cụ Lâm Hoằng đã ghi: Cụ Lâm Hoằng (1848-1883) là danh sĩ học rộng, tài cao, thi đỗ Phó bảng năm Mậu Thìn 1868, được vua Nguyễn mời về kinh đô Huế, giữ chức “Tham Tri Bộ Công”, người có công lao to lớn trong việc xây dựng đất nước cuối thế kỷ 19. Khi đất nước lâm nguy, cụ theo phe chủ chiến, quyết tâm chống giặc Pháp. Nghĩa khí cụ Lâm Hoằng không thua kém các bậc danh tướng trung liệt thời bấy giờ.
Năm 1883, thực dân Pháp tấn công vào cửa Thuận An - Huế lần thứ 2. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng, vua Tự Đức đã sung cụ về trấn thủ cửa Thuận An. Trong trận huyết chiến với quân Pháp vào ngày 18-7-1883, cụ đã xả thân vì nước, khi bị thương, cụ nhảy xuống biển tuẫn tiết, không cho Pháp bắt sống. Tiếc thương một con người suốt đời tận tụy vì đất nước, vua Tự Đức truy phong cụ “Công bộ Thượng thư” và ban sắc bốn chữ vàng "Tư Thiện Đại Phu".
Lăng mộ cụ Lâm Hoằng xưa nằm trên đất thôn Gia Bình, xã Gio An; nay thuộc thôn Xuân Tiến, xã Phong Bình, huyện Gio Linh, được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị công nhận xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, theo Quyết định 2048/QĐ-UBND, ngày 31-10-2013 có phạm vi bảo vệ cấm xâm lấn, làm mất hiện trạng rộng đến 1.200 m2.
Việc đào bới đá làm nhiều đoạn của thành lăng nứt, bể.
Tin, ảnh: LÂM QUANG HUY