Di cư bất hợp pháp: Chuyện kể từ một phiên dịch viên tình nguyện 

(Chinhphu.vn) - Báo điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết của chị Đỗ Hà, một người có nhiều năm làm phiên dịch viên tình nguyện và nhân viên xã hội cho một số tổ chức nhân đạo và phi chính phủ tại Thái Lan, về những trải nghiệm thực tế của chị khi giúp giải quyết những vấn đề mà người Việt di cư bất hợp pháp gặp phải tại Thái Lan.

 

Một buổi tối khoảng 6-7 năm trước, khi đang ngồi soạn bài ở nhà thì chuông điện thoại reo. Lại một số máy lạ gọi từ nước ngoài. Nhấc máy lên thì đầu dây bên kia là giọng 1 người phụ nữ có vẻ ngập ngừng và lo lắng. Chị nói là có được số của tôi từ 1 em sinh viên đã từng du học ở Thái Lan và làm việc với tôi, nói là nếu người Việt sang bên này bị bắt, bị lừa gạt hay gặp khó khăn gì thì liên lạc chỗ Trung tâm này họ sẽ hỗ trợ. Rồi chị kể khoảng 1 tuần trước chị gửi con gái 14 tuổi theo 1 đường dây đưa người qua Anh nhưng nghe nói bị bắt ở sân bay Bangkok mà chưa biết hiện giờ thế nào? Chị nhờ tôi tìm giúp xem con gái chị có phải bị công an giữ thật không và đang giam ở đâu. Vì chị chỉ có thể cung cấp tên, tuổi, chuyến bay của riêng con gái chị mà không biết gì thêm về những người cùng đi nên khá là khó khăn cho việc tìm hiểu tin tức. Sau mấy ngày chạy đôn đáo các trại giam và nhờ qua nhiều kênh quen biết thì chúng tôi cũng tìm được nơi chính quyền Thái đang giữ con gái chị. Lý do không phải là phía Thái gây khó dễ gì mà là vì khi làm thủ tục xuất cảnh ra khỏi Việt Nam cháu dùng hộ chiếu Việt Nam nhưng khi quá cảnh ở Thái Lan cháu dùng hộ chiếu Anh với tên Anh nên khi tìm danh sách những người bị bắt tại sân bay hôm đó không thể tìm thấy tên tiếng Việt của cháu. Theo luật bảo vệ trẻ em của Thái Lan, vì cháu chưa đến tuổi thành niên nên sau khi bị giữ lại ở sân bay cùng với những người đi cùng, công an Thái tách cháu ra và gửi vào 1 shelter riêng.

Sau một thời gian hỗ trợ thì cháu cũng được đưa về đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam mà không phải chịu án ở bên này. Nhưng cũng chỉ vài tháng sau người nhà của cháu ở cả Việt Nam và Anh gọi điện sang cảm ơn và thông báo là cháu đã tới được Anh an toàn. 

Đây chỉ là 1 trường hợp trong số nhiều trường hợp người Việt Nam tìm cách di dân sang châu Âu qua đường Thái Lan bị phát hiện. Những năm trước, việc di dân bất hợp pháp như thế này thường là bay vòng vèo qua nhiều nước, đổi nhiều hộ chiếu khác nhau nhưng đích đến cuối cùng vẫn là châu Âu và nước Anh. Nhiều trường hợp chúng tôi gặp trực tiếp và biết rằng họ thậm chí dùng cả hộ chiếu Anh thật vì người châu Âu họ rất khó phân biệt sự khác nhau giữa những người châu Á. Chỉ cần khuôn mặt bạn nhìn không quá khác biệt với ảnh chụp trong hộ chiếu gốc là bạn có thể dùng hộ chiếu của 1 công dân Anh gốc Á để nhập cảnh.

Về đường dây đưa người đi cũng không khác biệt lắm với những thông tin báo chí đưa gần đây tức là tổ chức đưa người đi họ chỉ thu 1 khoản lệ phí nhỏ trước khi đi như 1 dạng “đặt cọc”. Sau khi người thân sang tới nơi an toàn, họ sẽ thu nốt khoản còn lại với người nhà ở Việt Nam. Ngoài ra đường dây này, theo những người di dân bất hợp pháp nói, thì làm ăn cũng “khá có uy tín”. Họ đảm bảo với gia đình là sẽ đưa người tới tận nơi và chăm sóc suốt hành trình. Nếu lỡ có bị bắt thì họ sẽ lo mọi thủ tục cho người nhà và đưa trở về Việt Nam an toàn mà không thu thêm chi phí nào khác. Chính vì vậy, những trường hợp bị bắt ở Thái Lan, sau khi biết rõ nơi giam giữ của những người bị bắt, họ lập tức thuê luật sư bào chữa ra tòa, đưa người nhà từ Việt Nam sang thăm nuôi... mà không cần đến sự trợ giúp của các tổ chức nhân quyền nào tại Thái.

Cho nên, việc người Việt di dân bất hợp pháp sang EU hay Anh không phải là vấn đề mới. Chỉ sau khi sự việc thương tâm về 39 người bị nghi là mang quốc tịch Việt Nam tử vong trong container tại Anh ngày 23/10 vừa qua mới làm cho dư luận và báo chí quan tâm đến vấn đề này.

Là một phiên dịch viên tình nguyện và nhân viên xã hội cho một số tổ chức nhân đạo và phi chính phủ tại Thái Lan lâu năm, tôi đã gặp khá nhiều những trường hợp người Việt trong đường dây di dân bất hợp pháp đó và bị bắt giữ tại Thái Lan từ gần chục năm qua. Trước đây, Thái Lan được sử dụng như 1 trạm trung chuyển từ Việt Nam để bay tiếp sang các nước châu Âu, mà điểm đến cuối cùng thường là nước Anh. Với tư cách cá nhân tương đối đặc thù của mình nên việc tôi có thể tiếp xúc với họ tại các trại giam ở Thái cũng thuận tiện hơn và những người bị bắt giữ cũng ít e dè hơn khi chia sẻ thông tin hoàn cảnh của họ. Qua quá trình làm việc với họ, thấy có vài thực tế như sau:

1. Những người di dân này thường có hoàn cảnh gia đình tương đối khá giả (so với mặt bằng mức sống chung của địa phương nơi họ ở). Nhiều gia đình còn có cửa hàng buôn bán lớn trên phố nhưng họ vẫn muốn cho con em của mình đi ra nước ngoài.

2. Mục đích của việc ra đi, ngay cả đối với những em nhỏ còn trong tuổi đi học, không phải là để có được sự giáo dục tốt hơn mà họ xác định là đi sang để làm việc.

3. Hầu hết họ đều có người nhà hay người quen biết đang ở các nước đó và hứa hẹn sẽ giúp đỡ họ chỗ nghỉ ngơi hay tìm công ăn việc làm cho họ.

4. Không thể gọi tất cả những người di dân bất hợp pháp này là nạn nhân của nạn buôn người (human trafficking) vì họ đều tình nguyện đi và được biết trước những gì sẽ chờ đợi họ phía trước. Điều kiện quan trọng để xác định là họ có phải là nạn nhân hay không là họ có bị bán hay không thì trong những trường hợp này, họ không hề bị bán qua lại. Có chăng thì chỉ có thể coi họ là 1 phần trong đường dây đưa người bất hợp pháp (human smuggling) mà thôi.

5. Những người di dân bất hợp pháp này cũng đều biết về những nguy hiểm, rủi ro có thể sẽ gặp nhưng họ vẫn tình nguyện ra đi vì một suy nghĩ rất đơn giản là “rủi ro chỉ là hãn hữu” vì thực tế “tấm gương” những người ra đi thành công xung quanh họ vẫn có rất nhiều. Họ tin là những người bị bắt, bị chết trên hành trình đó chỉ là những người không may ít ỏi mà thôi. Nhiều trường hợp người nhà của họ ở bên Anh, khi biết là người thân của họ đang bị giam giữ ở Thái, còn gọi điện sang khẳng định và hứa sẽ chăm lo cho con cháu họ chu đáo khi đến nơi và sau khi người thân sang tới bên đó, họ cũng gửi những bức ảnh đi chơi cùng người thân của họ về quê nhà. Những bức ảnh đó, đối với bạn bè họ ở Việt Nam lại càng là minh chứng cho sự thành công của những người đi trước. Họ cũng được dặn dò trước về cách phản ứng khi bị bắt nên không dễ chia sẻ với người lạ câu chuyện thật của họ. Ngay cả khi tiếp xúc với nhân viên xã hội, những người thật sự đến để hỗ trợ, giúp đỡ họ những gì họ cần, thì cũng phải qua tiếp xúc nhiều lần và tạo được sự tin cậy ở một mức độ nào đó, họ mới cởi mở hơn.

6. Một trong những lý do đích đến thường là Anh vì ở Anh luật pháp đối xử với người nhập cư bất hợp pháp nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng khá nhân đạo. Các em sẽ được các gia đình bản địa đón về nhà để đi học ở các trường công trong khu vực để đảm bảo trẻ em phải được nhận sự giáo dục căn bản (dù vẫn phải trình diện theo kỳ hạn với chính quyền như kiểu thụ án treo). Do đó, người nhập cư hay lợi dụng điểm này để khai man lúc bị bắt là chưa đủ tuổi thành niên để được “tại ngoại” mặc dù nhiều người đã ngoài 20 tuổi. Sau khi được “tại ngoại”, họ sẽ tìm cách trốn đi làm thuê chứ không đi học nữa. Trước khi vào Anh, họ sẽ bỏ hết giấy tờ tuỳ thân để nếu bị bắt, cảnh sát cũng không thể xác định được quốc tịch nên chỉ có thể trục xuất họ trở lại nơi xuất phát trước đó là Pháp hay một nước châu Âu nơi họ ở trước khi sang Anh và họ lại chờ đợi cơ hội quay lại mà không bị trục xuất thẳng về Việt Nam.

Bi kịch của 39 mạng người ở Anh lần này đã làm dấy lên những phản ứng đa chiều trong xã hội. Thương tâm có, tức giận có, trách móc và đổ lỗi có. Nhưng rồi thời gian qua đi, nỗi đau lắng xuống, mọi người sẽ lại quên câu chuyện container 39 mạng người này cũng như câu chuyện về 23 người lao động Việt Nam bị chết trong vụ đắm thuyền trên sông Mekong lúc trở về quê ăn Tết năm 2008 hay vụ 152 khách du lịch Việt Nam bị mất tích ở Đài Loan vào tháng 12 năm ngoái và rồi những câu chuyện thương tâm mới về số phận người Việt ở nước ngoài sẽ lại vẫn tiếp tục.

Đỗ Hà
287 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1514
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1514
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85261152