DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH: TẦM NHÌN VƯỢT THỜI GIAN VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG  

Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người trọn đời vì nước, vì dân cho đến những giây phút cuối cùng. Với mục đích để “đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột” lúc Người phải về nơi vô cùng, vô tận. Người đã âm thầm để sẵn “mấy lời” và chúng ta thành kính gọi là Di chúc. Thời gian vẫn không ngừng trôi, nhưng mỗi lần đọc lại những dòng chữ chan chứa yêu thương đó, chúng ta như được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện tốt hơn những di nguyện của Người.

 Nghiền ngẫm trong 4 năm trời, chắt lọc tình cảm và suy nghĩ của cả cuộc đời, bản Di chúc đã đề cập đến những vấn đề trọng yếu của đời sống dân tộc cũng như tương lai của đất nước. Bằng lời lẽ mộc mạc, giản dị nhưng lại vô cùng súc tích, Di chúc tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng toàn bộ tình cảm và tư tưởng của Người đối với sự nghiệp cách mạng, và các thế hệ người Việt Nam. Trong Di chúc, ngoài 79 chữ nói “Về việc riêng”, còn lại Người dành trọn tình cảm cho dân, cho Đảng. “Trước hết nói về Đảng”, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đến vấn đề xây dựng Đảng và xuyên suốt là tư tưởng về tăng cường, củng cố, giữ vững sự đoàn kết thống nhất - cội nguồn sức mạnh của Đảng. Ngay từ buổi đầu của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đã có một luận điểm đặc sắc: “cách mạng trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh…Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Đề cao vai trò của Đảng trước dân tộc đó là quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh. Tiếp tục mạch tư duy đó, trong Di chúc , Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc cần thiết phải củng cố sự đoàn kết trong Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy mạnh công tác chỉnh đốn Đảng để qua đó có được sức mạnh và uy tín của người cầm lái.

Chăm lo xây dựng và củng cố sự đoàn kết trong Đảng là tư tưởng xuyên suốt, là chủ trương nhất quán của Hồ Chí Minh. Nếu như trong Di chúc Người đã 8 lần nhắc đến cụm từ đoàn kết, thì riêng trong đoạn văn ngắn nói về Đảng, Người đã 5 lần sử dụng cụm từ này. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người khẳng định sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xây dựng, củng cố trên cơ sở vì mục đích cao cả “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Chỉ trên cơ sở đó trong Đảng mới có sự thống nhất về ý chí và hành động “triệu người như một”để chiến thắng bất cứ kẻ thù nào, vượt qua bất cứ khó khăn trở ngại nào. Hồ Chí Minh so sánh với “con ngươi” trong đôi mắt. Đối với mỗi người, không giữ được con ngươi thì đôi mắt sẽ hỏng, nhận thức và hành động sẽ khó khăn, kém hiệu quả. Đối với Đảng, không có sự đoàn kết, thống nhất thì Đảng sẽ không đủ năng lực, trí tuệ lãnh đạo nhân dân. Do đó, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Di chúc của Người không những chỉ cho chúng ta thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của sự đoàn kết, tính tất yếu của việc giữ gìn, củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà còn chỉ ra những nguyên tắc quan trọng, hiệu quả nhất để xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất đó: “Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất của Đảng theo Di chúc của Người, chúng ta phải thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau: phải thực hành dân chủ rộng rãi. Nhờ dân chủ mà Đảng ta đã khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình thì phải: thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh coi đây là biện pháp tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Người yêu cầu tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, nghiêm túc, không nể nang, qua loa đại khái, hình thức. Muốn có sự đoàn kết thực sự thì phải “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Chỉ vẻn vẹn hơn chục dòng mà cả một tổ hợp giải pháp về xây dựng và củng cố khối đại đonà kết trong Đảng đã được Người tổng kết, đúc rút.

Để nâng cao uy tín và sức mạnh của Đảng thì ngoài củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng, điều căn cốt là phải nâng cao đạo đức đảng viên. Đặc biệt trong điều kiện Đảng ta trở thành đảng cầm quyền thì vấn đề đạo đức càng quan trọng. Vì vậy, Trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là Đảng cầm quyền nên mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thực tiễn cách mạng đã chứng minh: sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đã được đặt ra trong nhiều nghị quyết của Đảng, từ Cương lĩnh đến văn kiện các đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Với quan điểm xuyên suốt về xây dựng chỉnh đốn Đảng là “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.Việc quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận, quy định về xây dựng Đảng đã được triển khai nghiêm túc. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường. Tự phê bình và phê bình được tiến hành thường xuyên ở mọi cấp, mọi ngành ở từng đảng viên, từng cấp ủy và từng tổ chức đảng; coi đây là vấn đề cốt lõi để xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Công tác nêu gương, nhất là người đứng đầu được thực hiện nghiêm túc. Các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường.

Tuy nhiên, đúng như Người đã viết: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế, như: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.

Vì vậy, quán triệt và thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Di chúc, trong những năm tới phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”. Vì vậy, để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh theo Di chúc của Người, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là Chủ nghĩa Mac -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết số 35-CT/TW của Bộ Chính trị,  trung thành và vận dụng phát triển sáng tạo lý luận vào thực tiễn Việt Nam trong điều kiện thực tiễn mới.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng như Văn kiện Đại hội XIII đã nêu: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, uy tín và năng lực tổ chức, lãnh đạo, ngang tầm nhiệm vụ.

Cần chú trọng xây dựng những giá trị chuẩn mực đạo đức trong Đảng, ra sức học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ kiểm tra giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ.

Hướng tới kỷ niệm 52 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, điều đó đòi hỏi Đảng ta phải có đủ bản lĩnh để xây dựng và chỉnh đốn lại mình. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Xuân Ngọc

1045 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1200
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1200
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87165710