DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – VĂN KIỆN LỊCH SỬ VÔ GIÁ, CHỨA ĐỰNG TẦM TƯ TƯỞNG VĨ ĐẠI 

Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta đến nay vừa tròn 50 năm (1969-2019). Trrước lúc đi xa Người không chỉ để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn, một sự nghiệp lớn mà Người còn để lại bản Di chúc lịch sử, một văn kiện vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, thể hiện trên những nội dung chính, bao gồm: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, xây dựng đất nước sau chiến tranh, đoàn kết quốc tế...

Điều đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, đó là căn dặn Đảng ta phải chăm lo củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng để có đủ sức mạnh và uy tín của người cầm lái, dẫn đường cho quần chúng hướng theo. Người khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Nhắc nhở trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc bảo vệ và củng cố, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, Người nêu rõ: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo Người, muốn có được sự đoàn kết chân thành và thực sự lâu dài thì phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”

Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thế hệ trẻ của đất nước tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng phải hiểu rõ về đoàn viên và thanh niên, “phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Nói về nhân dân lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhân dân lao động bao đời chịu đựng gian khổ, bị nhiều áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân; nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, luôn đi theo và rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Căn dặn Đảng và Chính phủ phải quan tâm tạo mọi điều kiện giúp đỡ chị em phụ nữ để họ tiến bộ và trưởng thành, đồng thời bản thân chị em phụ nữ cũng phải tích cực phấn đấu vươn lên đáp ứng với trách nhiệm của mình. Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.

Những điều Hồ Chí Minh dặn lại thể hiện rõ chính sách an sinh xã hội nhân văn "không bỏ ai ở lại phía sau" đối với thương binh, liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của họ; đối với phụ nữ, thanh niên, nông dân, đồng bào miền xuôi cũng như miền núi; đối với những nạn nhân của chế độ cũ... Tất cả không ngoài mục đích mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong chiến tranh xâm lược, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Về phong trào cộng sản thế giới, Người bày tỏ sự đau lòng vì sự bất hòa của các đảng anh em. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý, có tình.

Nói về một số việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ tiếc rằng không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Ngườicăn dặn “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân”.

Mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Giá trị cốt lõi của Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng; Là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền; Là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam, Là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và Nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm Châu”.

Những lời dặn thiết tha, đậm chất nhân văn trong Di chúc chứa đựng những giá trị tư tưởng, tinh thần cao quý của cuộc đời Hồ Chí Minh, từ cuộc đời Hồ Chí Minh, Di chúc như một Cương lĩnh hành động của Đảng ta trong công cuộc kháng chiến cứu nước và đổi mới, xây dựng. Trong 50 năm qua, đặc biệt là sau 33 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện tốt lời căn dặn của Bác về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đối ngoại.

Với tình cảm kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Trị đã làm hết sức mình để biến những điều mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực. Cùng với nhân dân cả nước, Quảng Trị có nhiều đóng góp sức người, sức của, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Sau khi cuộc Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng đất nước hơn mười ngày nay”, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng; nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh; tích cực hợp tác và kêu gọi đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn, nhất là sau 30 năm lập lại tỉnh (1989-2019).

Nền kinh tế liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao, tương đối toàn diện, có mặt đi vào chiều sâu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm đạt 7,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông, lâm nghiệp - công nghiệp và dịch vụ phát triển toàn diện. Các vùng chuyên canh cây nông nghiệp và cây công nghiệp được hình thành và phát triển nhanh. Sản phẩm cao su, cà phê, hồ tiêu, tinh bột sắn, tinh bột nghệ, dược liệu… đã trở thành hàng hóa nông sản quan trọng, có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện, điện gió và các cụm, khu công nghiệp lớn được xây dựng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tăng trưởng nhanh, bình quân mỗi năm đạt 14%. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Giáo dục đào tạo có chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; hệ thống trường học được xây dựng kiên cố, cao tầng; con em đồng bào dân tộc thiểu số được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đến trường. Kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ tiếp tục duy trì vững chắc. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đẩy mạnh, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Cơ sở vật chất của ngành y tế từ tuyến tỉnh tới cơ sở được đầu tư nâng cấp. Đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu nổi bật, đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nếu như năm 1989, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) chiếm trên 64,7%, năm 2000 giảm còn 26% và năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm xuống 15,43%, đến năm 2018 giảm xuống chỉ còn 9,68%. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đã quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân”, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, hiện đại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hoà bình”, “bạo loạn, lật đổ” và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhìn lại những việc đã làm được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta thấy tự hào những việc đã làm được, cũng nghiêm khắc kiểm điểm những điều còn thiếu sót, tự hứa với mình phải không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để thực hiện tốt hơn lời dạy của Bác./ Từ Quang Hóa

 

668 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 394
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 394
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87216439