'Đi chợ giùm dân' trong những ngày giãn cách xã hội 

(Chinhphu.vn) - Giữa những ngày cả nước đang căng mình chống dịch và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tình người, tình làng nghĩa xóm vẫn luôn xuất hiện quanh chúng ta. Đó là những "gian hàng 0 đồng" cho sinh viên, những "bữa cơm yêu thương" do các nhà tài trợ hảo tâm mang đến... Cùng với đó, những mô hình chợ kiểu mới xuất hiện, hình thành giữa các khu dân cư đang phát huy hiệu quả, bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong giai đoạn giãn cách.

 

Đoàn thanh niên phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) triển khai mô hình “shipper áo xanh đi chợ giúp dân phòng dịch an toàn” - Ảnh: VGP/PT

Áo xanh thanh niên “đi chợ giùm dân”

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cho biết, nhiều hình thức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong mùa dịch đang được các địa phương triển khai tích cực và hiệu quả. Nếu ở xã An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới), Khánh Bình (huyện An Phú), thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) có “Chuyến xe 0 đồng” thì ở phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc), xã Phú Vĩnh (TX. Tân Châu) và nhiều nơi khác có “Gian hàng 0 đồng”, còn phường Long Thạnh (TX. Tân Châu) có mô hình “đi chợ giùm dân" trong mùa dịch đang được triển khai rất hiệu quả.

Mô hình này cũng được Quận Đoàn Quận 1 (TPHCM) triển khai với nhóm "Thanh niên tình nguyện đi chợ" mua hàng giao đến tận nơi cho người dân khi TPHCM thực hiện Chỉ thị 16. Xuất phát từ suy nghĩ những cụ ông, cụ bà neo đơn không có ai chăm sóc, việc đi lại cũng khó khăn, không thể mua nhu yếu phẩm, các cán bộ Đoàn Thanh niên đã lập ra mô hình "Thanh niên tình nguyện đi chợ" để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người già sống neo đơn trên địa bàn. 

Quận Đoàn đã kích hoạt mô hình để giúp cho hệ thống siêu thị, hệ thống bán hàng giảm gánh nặng, bảo đảm quy tắc 5K và phòng chống dịch trong thời gian giãn cách. Người dân có thể liên hệ nhờ mua hàng thông qua 3 cách: Gọi điện, điền thông tin trên trang của Quận Đoàn hoặc qua ứng dụng Gobus.

Tại Hà Nội, các thanh niên tình nguyện cũng hoạt động giúp dân mùa dịch. Ghi nhận tại khu vực phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội), Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên phường Phúc Xá Dương Vũ Dũng cho biết, phường Phúc Xá hiện có 13 F0, trên địa bàn phường có nhiều hộ dân đang thực hiện cách ly y tế tại nhà, cuộc sống của người dân gặp khó khăn vì không được đi ra ngoài. Do đó, Đoàn thanh niên phường phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường triển khai mô hình “shipper áo xanh đi chợ giúp dân phòng dịch an toàn”.

Mô hình được thực hiện với phương thức: Đoàn phường phát phiếu mua hàng, người dân điền thông tin các mặt hàng cần mua vào phiếu và gửi phiếu trước 20h hằng ngày. Sau khi nhận đơn, Đoàn phường sẽ tổng hợp và lên phương án mua sản phẩm. Đi chợ về, các thành viên của đội phân chia thực phẩm theo đơn hàng của từng hộ gia đình đã đăng ký và giao thực phẩm cho một hộ đại diện trong khu vực cách ly.

Chợ di động ở khắp nơi

Để giải quyết tình trạng chợ đầu mối và một số siêu thị phải đóng cửa để bảo đảm phòng, chống dịch, mô hình siêu thị, chợ lưu động đã được triển khai phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và giảm áp lực cho các chợ dân sinh. Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đã kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.

Tại quận Long Biên, một siêu thị trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư gồm: Khu đô thị Việt Hưng, sân chơi phố Bắc Cầu (Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng đảo Sen. Tại đây, các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày nhằm bảo đảm chất lượng thực phẩm đến tay người dân.

Bên cạnh đó, tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình chợ lưu động cũng được triển khai sau khi chợ Đồng Xa, chợ dân sinh lớn nhất tại phường, bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch. UBND phường Mai Dịch đã bố trí 2 điểm chợ lưu động tại Trung tâm Văn hóa Thể thao phường và sân bóng B5. Đây đều là những địa điểm nằm ngay trong khu dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm.

Một số quận, huyện (Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hà Đông, Đông Anh…) triển khai việc phát thẻ vào chợ cho người dân. Khi đến các siêu thị, chợ lưu động, người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bao gồm: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, bảo đảm giãn cách khi mua hàng.

Tại phía nam, Sở Công Thương TPHCM cũng đã triển khai mô hình "siêu thị di động kiểu mới". Theo đó, mô hình này sẽ bày bán những mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên xe buýt. Các "siêu thị di động" sẽ kéo dài trong 2 tháng và sẽ tăng quy mô lên 3-4 chiếc xe buýt, chủ yếu phục vụ tại quận, huyện vùng ven, mỗi chiếc xe buýt bán tại 1-2 điểm.

Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương, hơn một tháng qua, TPHCM đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn, một lượng lớn thực phẩm thiết yếu đã được đưa đến tay người dân qua các kênh bán hàng này.

Chợ di động được mở tại Trường THCS Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) để phục vụ dân cư. Ảnh: VGP/PT

Bán hàng theo “combo”

Được mở bán lại, nhiều chợ tại TPHCM đã áp dụng một số mô hình bán hàng kiểu mới như bán theo "combo", lập các đội bán hàng lưu động nhằm phục vụ nhu cầu người dân. Các "combo" sẽ bao gồm đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Nhiều siêu thị cũng đưa ra biển hướng dẫn cách mua hàng "combo" để người dân tiện mua sắm, như: Chọn hàng và điền đầy đủ vào phiếu thông tin; thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn và nhận hàng theo lịch của cơ quan quản lý trên địa bàn.

Mô hình bán hàng theo "combo" cũng đang được một số siêu thị ở Cần Thơ áp dụng, cho phép người mua hàng theo "combo" tại các quầy bán lưu động ở khu vực thoáng khí và hạn chế tối đa tiếp xúc.

Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương, việc các siêu thị tận dụng khu vực sảnh, hành lang, khuôn viên trung tâm thương mại để bày bán các quầy hàng giãn cách đã hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người mua. "Đây là mô hình bán hàng thông minh, cần được cân nhắc áp dụng với các địa phương khác có dịch", đại diện Tổ công tác nhìn nhận.

Sở Công Thương Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức và bố trí các điểm bán hàng bình ổn, "mô hình mang chợ ra không gian thoáng" và các hình thức bán hàng hợp lý khác… nhằm phục vụ cho người dân từng khu vực. Hiện, Thành phố đã triển khai được 47 điểm chợ và siêu thị, điểm bán thông minh theo hình thức giãn cách, không tiếp xúc. Do vậy, hàng hoá cũng như giá cả trên địa bàn Thành phố nhìn chung ổn định, chưa có biến động. 

 

Các điểm bán hàng lưu động của Bưu điện Việt Nam - Ảnh: Vietnam Post

Bưu điện phân phối thực phẩm

Nhằm tận dụng tối đa hệ thống vận chuyển của doanh nghiệp bưu chính viễn thông cho công tác phân phối, lưu chuyển hàng hóa, mô hình phân phối hàng hóa thiết yếu tại hệ thống các điểm bán của bưu điện đang được triển khai rất hiệu quả.

Ngoài 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã tham gia cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các địa phương đang giãn cách xã hội từ trung tuần tháng 7 thì đến nay, hoạt động này đã có thêm sự chung tay của 3 doanh nghiệp bưu chính khác gồm Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm và Netco.

Theo số liệu từ 5 doanh nghiệp bưu chính, tính đến hết ngày 7/8, tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp này cung ứng tới người dân các địa phương trên cả nước là 14.584 tấn, tăng 11% so với ngày 6/8. Các doanh nghiệp bưu chính đã thiết lập tổng số 3.735 điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu. Tổng khối lượng 14.584 tấn hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp bưu chính cung cấp cho người dân các tỉnh, thành phố đang giãn cách có giá trị 448,43 tỷ đồng, tăng 11% so với ngày 6/8.

Hiện nay, cùng với việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa tại TP. Hà Nội trong thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp bưu chính đang tập trung để vừa bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch tại các tỉnh, thành phố phía nam. Bộ Công Thương nhìn nhận, tận dụng hệ thống vận chuyển của các doanh nghiệp bưu chính được xác định là một trong những kênh phân phối phát huy tối đa hiệu quả trong việc cung ứng hàng hóa đến người dân các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Phan Trang

338 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 574
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 574
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89005907