|
Dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Ảnh minh hoạ. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực, dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất, theo đó trong vòng 7 năm mức thuế hiện hành (15%) sẽ được xoá bỏ dần về 0%.
Một điều đáng chú ý được Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết đó là nếu như trong CPTPP quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” được coi là thách thức với hàng dệt may thì tại EVFTA quy tắc này chỉ áp dụng từ vải. Tức là, vải áp dụng cho hàng dệt may xuất khẩu sang EU chỉ cần đáp ứng điều kiện sản xuất tại Việt Nam.
“Đặc biệt, đoàn đàm phán đã trao đổi để EU chấp nhận nguyên tắc “cộng gộp xuất xứ”. Ví dụ như, EU đã có Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc thì với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam may thành sản phẩm, xuất khẩu sang châu Âu vẫn được áp dụng ưu đãi từ EVFTA. Sắp tới, ưu đãi này cũng được vận dụng tương tự khi EU kí hiệp định với Nhật Bản”, Thứ trưởng thông tin.
Đối với một số mặt hàng dệt may đang được hưởng Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP với mức thuế 9%, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, những mặt hàng này sẽ tiếp tục hưởng mức thuế 9% cho đến hết thời hạn của GSP. Sau đó sẽ áp dụng theo EVFTA.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2018, ngành dệt may xuất khẩu 36 tỷ USD, nhưng xuất khẩu sang EU chỉ đạt hơn 4 tỷ USD.
“Với thị trường EU, từ trước tới nay sở dĩ ngành dệt may Việt Nam chưa tiến xa, tiến sâu được là do EU gồm 28 nước (nếu tính cả Anh), mà mỗi nước lại có phong tục tập quán, đặc điểm tiêu thụ khác nhau, đơn hàng tại EU số lượng nhỏ so với các thị trường khác, nhiều mùa nên thay đổi mẫu mã liên tục… do đó không ít doanh nghiệp ngại làm các đơn hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với động lực cắt giảm thuế quan, chúng tôi kỳ vọng ngành dệt may sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này”, ông Cao Hữu Hiếu nói.
6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, xuất khẩu đi Mỹ ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 11,7%; xuất khẩu đi EU đạt 2,56 tỷ USD, tăng 4,52%; Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 5,20 %; Hàn Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 4,6 %; Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tăng 10,3%.
Có thể thấy, việc gia tăng xuất khẩu sang EU sẽ khó đến nhanh, nhưng khéo léo tận dụng các điều kiện về quy tắc xuất xứ để ưu đãi thuế, doanh nghiệp dệt may sẽ có thêm được động lực đầu tư, gia tăng xuất khẩu nhờ có thêm lợi nhuận. Điều quan trọng, phần lớn các nước xuất khẩu dệt may vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU do vậy nếu các doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam về dài hạn./.
Phan Trang