Xã viên Hợp tác xã chè Nhật Thức thu hái chè nguyên liệu.
Ảnh: Hoàng Nguyên
Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mục tiêu của đơn vị này đến năm 2020, cả nước có 500 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trong đó 60% số hợp tác xã này (300 HTX) phân bố tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên hay ven các đô thị lớn thành phố Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Các tỉnh, thành phố khác có tối thiểu 3 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, nâng giá trị sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ cao lên gấp 5 lần so với hiện nay và thu nhập/đơn vị diện tích hay đơn vị sản phẩm tăng từ 1,5 lần hiện nay lên 3,0 lần so với sản phẩm thông thường (không áp dụng công nghệ cao). Đồng thời, có từ 30 - 40% số lượng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là các mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học trong nông nghiệp (hiện nay hai loại này là 17%). Các mô hình ứng dụng được đầu tư đồng bộ và hiệu quả...
Để đạt mục tiêu trên, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn đã đưa ra các giải pháp như: đẩy mạnh thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tiếp cận các nguồn tín dụng hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã; khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ vốn sản xuất cho các hợp tác xã.
Đồng thời, mở các lớp đào tạo nghề về công nghệ cao trong nông nghiệp, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho hợp tác xã, thành viên về bảo hộ giống cây trồng, bảo hộ sáng chế, bảo hộ nhãn hiệu. Phấn đấu năm 2018 có khoảng 100 người và đến năm 2020 là 500 cán bộ và người lao động được gửi đi lao động học tập ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Israel...
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về các nghiên cứu, chuyển giao, các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hợp tác xã nông nghiệp. Tổ chức cho các hợp tác xã đi thăm quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả trong và ngoài nước...
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có tổng số 193 hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 155 hợp tác xã trồng trọt, lâm nghiệp (chiếm 85,49%), 18 hợp tác xã chăn nuôi (chiếm 9,33%), 20 hợp tác xã thủy sản (chiếm 5,18%).
Các lĩnh vực sản xuất của hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây an toàn; giống cây trồng; hoa, nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
Địa phương có nhiều hợp tác xã nhất là Lâm Đồng (36 hợp tác xã), Long An (14 hợp tác xã), Hà Nội (13 hợp tác xã), Long An và Tp. Hồ Chí Minh (mỗi tỉnh, thành 11 hợp tác xã)./.
Thành Trung/TTXVN