Đem lại niềm vui trong lĩnh vực trồng trọt nhờ chính sách hỗ trợ một số cây trồng 

Nhằm tìm kiếm và phát triển các sản phẩm địa phương trở thành sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, trong thời gian qua, chính quyền cùng các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã và đang quan tâm tích cực, tạo mọi điều kiện để sản xuất địa phương được phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm đến các loại cây trồng có khả năng trở thành sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, địa phương đã chú trọng việc thực hiện chính sách hỗ trợ một số cây trồng góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người sản xuất về cây giống, tìm kiếm loại cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương để nhân rộng. Qua đó đã đem lại những tín hiệu vui trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh nhà.

Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định 850/QĐ-UBND ngày 23/4/2018 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh  trên địa bàn tỉnh và Quyết định 1053/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 18/5/2018 về việc phân bổ kinh phí hỗ trợ phát triển cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND tỉnh năm 2018. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ một số cây trồng. Việc làm này đã giúp không ít hộ sản xuất, đặc biệt là hộ nghèo có điều kiện được tiếp cận cây giống chất lượng cao, cho ra sản phẩm năng suất khá trở lên, góp phần tìm ra sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Trong lĩnh vực trồng trọt, một số mô hình nổi bật như mô hình lúa chất lượng cao; mô hình tái canh cây cà phê; mô hình cây ăn quả đặc sản và cây dược liệu... đang dần trở thành những sản phẩm chủ lực của địa phương. Vụ hè thu năm nay, huyện Hải Lăng đã triển khai 150ha lúa chất lượng cao, thành phố Đông Hà 30ha, huyện Vĩnh Linh 80ha, huyện Triệu Phong 140ha, thị xã Quảng Trị 20ha, huyện Cam Lộ 24ha. Các mô hình lúa chất lượng cao trong vụ hè thu đều đạt kết quả tốt cả về năng suất và tiêu thụ sản phẩm. Bà con tham gia sản xuất tại các huyện Gio Linh, Hải Lăng... đều rất phấn khởi vì không những sản xuất lúa đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trước mà còn cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng. Tại huyện Hướng Hóa, chính quyền địa phương đã tiến hành cấp giống để xây dựng mô hình tái canh cây cà phê, triển khai tại 6 xã Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Liên, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh. Cây cà phê đã được huyện Hướng Hóa khai thác và đầu tư xây dựng mở rộng mô hình từ lâu, địa phương này cũng đã xây dựng, phát triển thành công nhãn hiệu cà phê Khe Sanh nên cà phê được xem là loại cây trồng chủ lực, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao tại huyện biên giới này. Để nhân rộng cây cà phê, chính quyền huyện Hướng Hóa tập trung hỗ trợ giống và kỹ thuật để người sản xuất tiếp tục nâng cao chất lượng hạt cà phê, củng cố và phát triển nhãn hiệu cà phê Khe Sanh.

Tại huyện Hải Lăng, 2 hộ gia đình đã được cung cấp giống cam để trồng thử nghiệm với tổng diện tích 5,4ha. Đây là lần đầu tiên huyện Hải Lăng có diện tích trồng loại cây ăn quả này, hiện tại cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn khi cây đem lại năng suất cao, lợi nhuận kinh tế cho người sản xuất thì huyện Hải Lăng sẽ tiến hành nhân rộng diện tích trồng. Với huyện Cam Lộ, địa phương này đã cung cấp giống cây Trạch Tả cho bà con sản xuất với diện tích 2ha. Người dân thành phố Đông Hà thì được địa phương hỗ trợ giống cây chè vằng để triển khai trồng tại phường 3 với diện tích khoảng 1ha, tính đến thời điểm này thì số cây trồng này cũng đang sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2018, huyện Vĩnh Linh hỗ trợ giống cho 10 hộ gia đình trồng hồ tiêu, tổng diện tích là 2ha. Cây hồ tiêu là một trong những loại cây cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế khá trong thời gian vừa qua ở tỉnh ta, do đó, nhiều địa phương như Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ đang khuyến khích người dân thử nghiệm trồng loại cây này. Năm 2018, 3 huyện này đã cung cấp giống hồ tiêu cho tổng 14 hộ, diện tích 4ha.

Mô hình trong lĩnh vực trồng trọt bước đầu đã thu lại lợi nhuận, cho năng suất cao và đem lại hiệu quả kinh tế như mô hình trồng lúa chất lượng cao là động lực lớn để những người nông dân hăng hái tham gia sản xuất, mở rộng diện tích. Các mô hình khác đều đang trong quá trình thực hiện, theo kết quả kiểm tra vừa qua của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các mô hình này hiện đang phát triển tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Sở NN-PT Nông thôn đã tìm ra một số vướng mắc, bất cập, cần sớm được giải quyết để các mô hình trồng trọt đạt kết quả cao hơn nữa, sớm trở thành sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của địa phương. Đối với việc sản xuất lúa chất lượng cao, người dân còn gặp nhiều khó khăn về liên doanh, liên kết trong sản xuất. Đối với cây cà phê, diện tích của một số hộ hưởng lợi được hỗ trợ còn manh mún, nhỏ lẻ (dưới 0,5ha)... Nhằm giải quyết những điểm còn bất cập và đồng thời để chính sách hỗ trợ một số cây trồng tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh đem lại hiệu quả tích cực, Sở NN-PT Nông thôn đề xuất, xây dựng kế hoạch năm 2019, các địa phương cần xem xét đề xuất theo hướng tập trung có trọng điểm gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành để nâng cao hiệu quả đầu tư thực hiện chính sách của tỉnh.

Có thể nói chính sách hỗ trợ một số cây trồng để tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh đã giúp nhiều bà con trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các giống cây trồng mới, đồng thời nhân rộng các mô hình trồng trọt đã có hiệu quả cao, mở ra một hướng đi mới cho sản xuất của địa phương, hướng đi mang tính tập trung hơn. Hy vọng rằng các mô hình sản xuất tiếp tục phát huy hiệu quả, đem lại niềm vui cho người sản xuất và lĩnh vực nông nghiệp trồng trọt của tỉnh nhà. Thảo Nhi

569 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 450
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 450
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77576183