|
(Ảnh minh họa của: BT) |
Ngày 3/8, Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn số 20 gửi đồng chí Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng – Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về việc hỗ trợ chính sách phù hợp để duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch COVID-19.
Theo đó, Tổ công tác 970 đề xuất Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất, kiến nghị với Chính phủ triển khai chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực, giảm áp lực thị trường và giúp ổn định thị trường lúa gạo khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện và ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, chăn nuôi, giết mổ đang thực hiện “3 tại chỗ” trực tiếp sản xuất.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khuyến khích cơ sở sản xuất và doanh nghiệp thu mua nông sản thiết yếu và cung ứng vật tư nông nghiệp để kích cầu thúc đẩy sản xuất.
Tổ công tác 970 đề xuất tiếp tục triển khai mở rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho các đối tượng là công nhân, người lao động ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp trong phạm vi 19 tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Hỗ trợ giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản để bảo quản sản phẩm đông lạnh.
Đồng thời, vận động các địa phương và doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ công nhân lao động gặp khó khăn tại các khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có khu công nghiệp trọng điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021.
Theo Tổ công tác 970, trong ngày 27/7, Tổ đã đi khảo sát trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói và giết mổ tại các địa phương phía Nam và sau đó ngày 29/7 và 31/7, Tổ công tác đã tổ chức 2 diễn đàn trực tuyến kết nối cung – cầu các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản trong điều kiện COVID-19.
Qua khảo sát và thông tin từ các địa phương và doanh nghiệp sản xuất, việc chế biến nông thủy sản và giết mổ gia súc, gia cầm hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực lao động thu hoạch, về thực hiện “3 tại chỗ” trong sản xuất và vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, việc Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch có khả năng phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, thu hoạch và chế biến nông sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, các tỉnh Nam Bộ đang vào thời kỳ thu hoạch nhiều loại nông sản chủ lực như: lúa Hè Thu gần 1 triệu ha với khoảng 5,5 triệu tấn lúa; hàng tháng thu hoạch khoảng 640 nghìn tấn trái cây và khoảng 500-600 nghìn tấn rau, củ, quả; sản xuất khoảng 141 nghìn tấn lợn, 55 nghìn tấn gà và 550 triệu quả trứng gia cầm…Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông thủy sản.
Ngoài ra, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng Tổ Công tác 970 của Bộ Quốc phòng tổ chức huy động và đã trao tặng hỗ trợ 1.000 phần lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ tiêu dùng trong 1 tuần cho 1.000 công nhân, lao động gặp khó khăn trong khu phong tỏa COVID-19 tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hai tuần tới, sẽ tiếp tục triển khai trao tặng 9.000 phần lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đối tượng công nhân lao động gặp khó khăn đang sống tại các nhà trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh./.
BT