Chiều 17/9, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm về vấn đề thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Đề xuất thêm 03 ngày nghỉ trong năm
Dẫn số liệu khảo sát ở 155 quốc gia, trừ 6 quốc gia không có quy định thì hiện Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Campuchia 28 ngày; Brunei 15 ngày; Indonexia 16 ngày; Malaysia 13 ngày; Myanmar 14 ngày; Philippines 19 ngày; Thái Lan 16 ngày; Lào 12 ngày; Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày…), Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ trong năm.
Phó ban Quan hệ Lao động Lê Đình Quảng nêu quan điểm của
Tổng LĐ về thời gian làm việc, số ngày nghỉ lễ
“Số ngày nghỉ lễ, tết trong năm ở nước ta hiện là 10 ngày, là rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 03 ngày nghỉ là cần thiết”, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm.
Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 2 phương án. Phương án 1: nghỉ Quốc khánh 04 ngày từ 02 đến 05/9 (phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, cùng con đến trường trong ngày khai giảng năm học). Phương án 2: nghỉ 01 ngày vào ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và thêm 02 ngày vào dịp Tết dương lịch.
“Trung Quốc là đất nước có tương đồng về chế độ chính trị với Việt Nam nhưng hiện nay, số giờ làm việc bình thường là 40h/tuần, số ngày nghỉ lễ 21 ngày, trong đó dịp Quốc khánh nghỉ cả tuần, nghỉ cả ngày Tết thanh minh, Tết đoan ngọ và Tết Trung thu”, đại diện Tổng LĐ nêu ví dụ.
Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ
Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, theo số liệu khảo sát của tổ chức ILO đối với 154 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên) cùng với khoảng 40 nước khác; chỉ ít hơn hai nước là Kennya và Seychelles (trên 48 giờ/tuần).
Về giờ làm việc trung bình năm (giờ làm việc thực tế), Việt Nam là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới (từ 2250 – 2500 giờ), mức giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ.
Theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như người lao động có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Đây là xu hướng chung mà nhiều nước tiên tiến đã thực hiện.
Giờ làm việc kéo dài ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người lao động
Nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn) và của các tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động như mất cơ hội tìm bạn đời, không có thời gian quan tâm, chăm sóc gia đình… Thời giờ làm việc kéo dài tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ.
Việc giảm giờ làm sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động có thể tăng số lượng lao động tham gia vào thị trường lao động, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững, ông Lê Đình Quảng nói.
Theo Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, giờ làm thêm của Việt Nam hiện tối đa 300 giờ/năm là khá cao nhưng với tinh thần chia sẻ cùng doanh nghiệp, Tổng LĐ đồng ý tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm đồng thời đề xuất chủ sử dụng lao động cũng phải giảm giờ làm/tuần từ 48 giờ xuống 44 giờ và lương làm thêm phải lũy tiến.
Việc đề xuất giảm thời giờ làm việc cho người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” vào thời điểm hiện nay là cần thiết và có cơ sở. Công ước số 47 được Đại hội đồng tổ chức Lao động quốc tế thông qua nêu rõ “cần thiết tiếp tục các nỗ lực giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc đến mức có thể” và “nguyên tắc tuần làm việc 40 giờ được áp dụng mà tiêu chuẩn sống không bị giảm bớt do việc thực hiện này”.
“Điều 104, Bộ luật Lao động 2012 đã quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ” thì sau 7 năm, việc “khuyến khích” rất nên trở thành bắt buộc trong Bộ luật Lao động sửa đổi. Thử hình dung một đứa trẻ sinh ra trong điều kiện thiếu dinh dưỡng, không được chăm sóc vừa đủ thì chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai sẽ thế nào?”, ông Hiểu nói./.
Minh Châu