Công đoàn đề xuất Dự thảo Luật cần điều chỉnh theo hướng tăng số lần nghỉ việc để đi khám thai lên 7 lần
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đó là kiến nghị của Công đoàn ngành Giáo dục khi đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Dự thảo Luật BHXH đề xuất mức hưởng 2.000.000 đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con chết hoặc chết lưu. Theo Công đoàn, mức trợ cấp như đề xuất này quá thấp, không đáp ứng được các chi phí trong thời gian mang thai, sinh con. Đặc biệt, căn cứ vào mức sống của từng vùng, số tiền trợ cấp nói trên chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con.
Vì vậy, mức trợ cấp trên cần tăng để đảm bảo thực hiện được chủ trương khuyến khích, thu hút nhiều người tham gia loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể, mức trợ cấp hằng tháng tối thiểu phải bằng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn. Thời gian hưởng trợ cấp 4 tháng (4 tháng là thời gian hồi phục cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ sau sinh con trước khi trở lại làm việc). Chi phí hưởng chế độ trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước đảm bảo và có sự chia sẻ quỹ bảo hiểm xã hội, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả bà mẹ sinh con tại Việt Nam.
Công đoàn ngành Giáo dục cũng cho rằng, trong suốt thời gian triển khai thi hành luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về thời gian nghỉ và mức trợ cấp cho lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, chưa có quy định về thời gian nghỉ dưỡng thai được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm y tế hay không.
Do vậy, Công đoàn đề xuất bổ sung quy định thời gian nghỉ, mức trợ cấp cho lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Cùng với đó, nếu lao động nữ có thời gian nghỉ dưỡng thai trên 14 ngày làm việc trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội và được quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế.
Về mức hưởng chế độ thai sản. Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) "Mức hưởng chế độ thai sản một tháng của người lao động… bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng đóng bảo hiểm xã hội gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản". Công đoàn cho rằng, cần xem lại quy định này cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Tổ chức lao động quốc tế, mức hưởng chế độ khi sinh con được quy định trong Công ước số 183 (năm 2000) ít nhất bằng 2/3 mức lương hoặc thu nhập được bảo hiểm. Bổ sung cho quy định này, Khuyến nghị số 191 năm 2000 đã yêu cầu các quốc gia nâng mức trợ cấp lên bằng mức lương của người lao động đã hưởng trước đó. Hiện nay, nhiều quốc gia như: Singapore, Philippin, Malaysia, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hà Lan… đều quy định mức trợ cấp bằng 100% mức tiền lương của người lao động trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Vì thế, để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động và phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia, dự thảo cần quy định mức trả trợ cấp thai sản tính trên mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Một kiến nghị quan trọng khác được Công đoàn nêu là, theo Khoản 1, Điều 48 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội qui định "Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần khám thai". Như vậy, Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định này của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Theo Công đoàn, quy định này không hợp lý, bởi trên thực tế, trong suốt thời gian mang thai và sinh con, người lao động nữ đi khám thai nhiều hơn 5 lần. Các khuyến nghị dưới góc độ y khoa đều cho biết, thông thường người phụ nữ mang thai phải trải qua ít nhất khoảng 7 lần đi khám thai định kỳ. Ngoài ra, còn có những lần khám thai theo chỉ định đặc biệt của bác sĩ, để đảm bảo sự phát triển của thai nhi và an toàn sức khoẻ cho người mẹ.
Vì thế, Dự thảo Luật cần điều chỉnh theo hướng tăng số lần nghỉ việc để đi khám thai lên 7 lần. Ngoài ra, người lao động nữ có thể nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp phải đi khám thai nhiều hơn 7 lần theo chỉ định của bác sĩ.
Đại diện Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đánh giá dự thảo luật Bảo hiểm xã hội lần này có nhiều sửa đổi so với trước đây, trong đó có các quy định liên quan đến quyền lợi của lao động nữ như: chế độ chăm sóc con ốm đau; chế độ hưởng khi khám thai, sinh con; chế độ đối với người mang thai hộ; chế độ với người nhận nuôi con nuôi; chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần...
Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo về chính sách đối với lao động nữ cần được tiếp thu chỉnh sửa nhằm cải thiện tốt hơn quyền của lao động nữ.
Thu Cúc