Đề xuất sửa 5 luật thuế: Có tăng, có giảm 

(Chinhphu.vn)- Ý kiến chuyên gia cho rằng việc sửa đổi bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, đặc biệt là các nội dung về ưu đãi thuế là một yêu cầu phù hợp với thực tiễn và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Bộ Tài chính vừa đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế và nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung quy định tăng mức thu hiện đang nhận nhiều ý kiến trái chiều như tăng thuế VAT, tăng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường, thì dự thảo cũng đưa ra nhiều quy định miễn giảm thuế mang tính chất ưu đãi- theo PGS. TS. Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính).

PGS.TS Lý Phương Duyên.

Theo TS Lý Phương Duyên, trên thế giới, có 7 hình thức ưu đãi thuế mà Chính phủ các nước  áp dụng để hỗ trợ người nộp thuế: sử dụng thuế suất tiêu chuẩn thấp; áp dụng thuế suất ưu đãi; miễn giảm thuế có thời hạn; giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các nhóm lợi nhuận mục tiêu; chiết khấu đầu tư và khấu trừ thuế đầu tư; khấu hao nhanh và chuyển lỗ. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng hầu hết các hình thức ưu đãi thuế này.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế hiện có một số nội dung liên quan đến vấn đề  ưu đãi thuế đáng lưu ý.

Thứ nhất, đối với Luật Thuế TNDN,  có 8 nội dung dự kiến được sửa đổi, bổ sung, trong đó có một số nội dung liên quan đến ưu đãi thuế, nổi bật là: giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật hỗ trợ DNNVV vừa được Quốc hội ban hành.

Theo đó, DN siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV được áp dụng thuế suất 17%. Mức thuế suất này tương ứng thấp hơn 5% và 3%  so với mức thuế suất tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đã đưa vào quy định phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản cho DN siêu nhỏ. Những quy định này có thể coi là một sự hỗ trợ về lợi nhuận cho các DNNVV dựa trên cơ chế ưu đãi lợi nhuận - một trong hai cơ chế khi thực hiện ưu đãi thuế nói chung, phù hợp với xu hướng của nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, tiêu thức xác định DNNVV cũng như DN siêu nhỏ phải rất rõ ràng và có cơ chế kiểm soát được thì mới đảm bảo công bằng và cạnh tranh sòng phẳng giữa các DN.

Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế lần này còn bổ sung quy định: miễn, giảm thuế cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung thành lập theo quy định của Luật hỗ trợ DNNVV (miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo, không ưu đãi về thuế suất).

Đây là một quy định có ý nghĩa đặc biệt đối với không chỉ các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn có tác động đối với cả hệ sinh thái khởi nghiệp, là những hỗ trợ tốt cho các DN khởi nghiệp hiện nay.

Một điểm khác đáng lưu ý là việc sửa quy định về tỷ lệ thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài, đặc biệt áp dụng tỷ lệ thu thuế 1%  đối với chuyển nhượng vốn của DN nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Theo TS Lý Phương Duyên, đây là một sự thay đổi lớn, có vai trò quan trọng trong việc  đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa cá nhân với tổ chức, giữa DN trong nước với DN nước ngoài.

Thứ hai, đối với  Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính cũng đề nghị sửa đổi 8 nội dung, trong đó có một số nội dung liên quan đến ưu đãi thuế rất rõ nét. Đó là bổ sung quy định không thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên Hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với DN tham gia “Cánh đồng lớn”; bổ sung chính sách giảm 50%  thuế TNCN cho một số đối tượng là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản.

Có thể thấy, những sửa đổi bổ sung này thống nhất, đồng bộ với quan điểm của Chính phủ nói chung và của Luật thuế TNDN nói riêng trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển công nghệ cao và lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, dù hiện tại chưa công bố việc đánh giá tác động một cách thật chi tiết, nhưng theo bà Lý Phương Duyên, việc sửa đổi bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, đặc biệt là các nội dung về ưu đãi thuế là một yêu cầu phù hợp với thực tiễn và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi thực hiện các chính sách ưu đãi là việc xác định các tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu đãi. Vấn đề này cần thiêt phải được quy định một cách cụ thể, chi tiết và phù hợp với lộ trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020.

Huy Thắng                                                            

588 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1124
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1124
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87181276