|
Ảnh minh họa |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, biển và hải đảo Việt Nam có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài.
Ngày 21/6/2012, Quốc hội thông qua Luật biển Việt Nam, tại Điều 45 Luật đã quy định về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này. Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, ngày 21/5/2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Nghị định số 51/2014/NĐ-CP được ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về giao khu vực biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Sau 4 năm triển khai thi hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về giao khu vực biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã có những bước tiến triển nhất định, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức và cá nhân trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, tuy nhiên, Nghị định này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Một số quy định trong Nghị định số 51/2014/NĐ-CP còn chung chung, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, một số quy định chưa được thực hiện triệt để do còn vận dụng quy định của pháp luật chuyên ngành. Mặt khác, ngày 21/11/2017, Quốc hội thông qua Luật thủy sản, tại Điều 44 Luật quy định về việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản và giao cho Chính phủ quy định việc giao, gia hạn, hạn mức, khung giá tiền sử dụng khu vực biển; sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên và kịp thời cập nhật, bổ sung các quy định cho phù hợp với Luật thủy sản nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất nhà nước về sử dụng biển, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực biển và hải đảo, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP là cần thiết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP gồm 6 chương, 36 điều. Trong đó nêu rõ các quy định về nguyên tắc giao khu vực biển; căn cứ, thời hạn giao khu vực biển; quy định về giao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển; thu hồi khu vực biển; chấm dứt hiệu lực quyết định giao khu vực biển...
Nguyên tắc giao khu vực biển
Dự thảo nêu rõ giao khu vực biển phải đảm bảo 6 nguyên tắc sau: 1. Bảo đảm sự quản lý tổng hợp, thống nhất, liên ngành, liên vùng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường biển và hải đảo; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững.
2. Bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp; đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
3. Bảo đảm phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển.
4. Trong sức chịu tải của môi trường, có thể giao khu vực biển cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc nhiều mục đích sử dụng.
5. Không được chia khu vực biển thành hai hay nhiều khu vực biển tiếp giáp để giao cho một tổ chức, cá nhân thực hiện cùng mục đích sử dụng.
6. Trường hợp xảy ra thiên tai, bão, lũ, cần phải giao khu vực biển để thực hiện các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển xem xét quyết định giao ngay khu vực biển mà không cần thực hiện theo trình tự thủ tục quy định của Nghị định này, sau khi thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn