Đề xuất nơi sử dụng lao động không được đình công 

(ĐCSVN) – Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nhấn mạnh, cần thiết phải ban hành Nghị định để quy định Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2019 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Quang Thắng 

Cần thiết ban hành nghị định phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2013/NĐ-CP ngày 08/05/2013 quy định chi tiết thi hành Điều 220 của Bộ luật Lao động.

Nghị định này đã quy định danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công là các doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp hoạt động trong 06 ngành, lĩnh vực thiết yếu mà nếu đình công xảy ra sẽ có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích cộng đồng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của người dân. Đồng thời quy định rõ, cụ thể quy trình giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công và trách nhiệm, cơ chế hỗ trợ của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, qua quá trình thực hiện cho thấy các doanh nghiệp thuộc danh mục đã thực hiện đúng các quy định tại Nghị định này và chưa từng để xảy ra các cuộc tranh chấp lao động tập thể hay đình công trong doanh nghiệp.

Việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, tập thể người lao động ở doanh nghiệp không được đình công cũng thường xuyên được các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan quản lý lao động, liên đoàn lao động tại các địa phương quan tâm nên nhìn chung đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp khá ổn định, chưa phát sinh yêu cầu giải quyết các tranh chấp của tập thể người lao động.

Tuy nhiên, việc thực hiện cũng đang phát sinh những bất cập. Một số doanh nghiệp thuộc danh mục thời gian qua đã có sự sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh không còn thuộc vào những lĩnh vực trọng yếu cần hạn chế đình công, cùng với đó xuất hiện những doanh nghiệp mới có đầy đủ yếu tố cần đưa vào danh mục. Trong các doanh nghiệp không được đình công cũng phát sinh các tranh chấp lao động (cá nhân; tập thể về quyền, về lợi ích) nhưng Nghị định mới quy định việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động mà chưa hướng dẫn bao quát hết các trường hợp tranh chấp.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 có nhiều nội dung thay đổi so với Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, quy định cho phép trong doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn, quy định cụ thể hơn về các loại tranh chấp lao động. Trong đó, bổ sung tranh chấp về quyền thương lượng tập thể và các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tranh chấp và giao Chính phủ quy định danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công.

“Từ thực tiễn nêu trên, cần thiết phải ban hành Nghị định để quy định Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2019 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn” – Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Danh mục các nơi sử dụng lao động không được đình công 

Theo dự thảo Nghị định, về danh mục các nơi sử dụng lao động không được đình công quy định cụ thể các doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp trong 06 ngành, lĩnh vực trọng yếu theo nguyên tắc có kế thừa và điều chỉnh bổ sung dựa trên quy mô và vị trí quan trọng trong ngành, lĩnh vực cho phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, lĩnh vực sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện, giữ nguyên 3 công ty sản xuất điện, các đơn vị truyền tải điện, điều độ hệ thống điện và bổ sung Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thuộc Tổng Công ty Phát điện 1 (có công suất đạt 3.170 MW).

Lĩnh vực thăm dò, khai thác, sản xuất, cung cấp dầu khí tiếp tục quy định 12 doanh nghiệp, đơn vị, bộ phận doanh nghiệp và điều chỉnh giảm 02 đơn vị do đã giải thể, rút khỏi dự án.

Lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng không, hàng hải, tiếp tục quy định theo danh mục hiện hành, đồng thời điều chỉnh lại tên gọi cho phù hợp.

Lĩnh vực cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan nhà nước, giữ nguyên hai công ty cung cấp hạ tầng mạng viễn thông thuộc Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn Thông quân đội; điều chỉnh giảm 02 đơn vị viễn thông liên tỉnh và viễn thông quốc tế do giải thể; cập nhật lại đầu mối của Bưu điện Trung ương sau khi đơn vị này sát nhập vào Cục Bưu điện trung ương thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các doanh nghiệp cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường trực tiếp phục vụ cho các thành phố trực thuộc Trung ương, giữ như quy định tại Nghị định số 41/2013/NĐ-CP.

Các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, cập nhật thay đổi theo Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Về giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động lao động không được đình công quy định giải quyết 04 loại tranh chấp lao động, gồm: tranh chấp lao động cá nhân; tranh chấp lao động tập thể về quyền; tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và tranh chấp về quyền thương lượng tập thể./.

 
Minh Duyên
144 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 695
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 695
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77469488