|
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn: CPV) |
Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đề xuất, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng mất việc làm được hỗ trợ đào tạo nghề theo 2 mức tối đa 4,5 triệu đồng hoặc tối đa 9 triệu đồng tùy theo thời gian của khóa đào tạo nghề.
Cụ thể, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hồ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian học tối đa là 6 tháng.
Theo báo cáo của các địa phương, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng nhanh: Năm 2015 có 24.363 người (tăng 23% so với năm 2014), năm 2016 có 28.573 người (tăng 17% so với năm 2015), năm 2017 có 34.723 người (tăng 21% so với năm 2016), năm 2018 có 37.977 người (tăng 9,3% so với năm 2017), năm 2019 có 41.906 người (tăng 10,3% so với năm 2018),. Riêng năm 2020 có 26.507 người, giảm 36,7% so với năm 2019 do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài.
Mặc dù số lượng lao động học nghề tăng theo từng năm nhưng tỷ lệ số người được hỗ trợ học nghề so với số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa cao, chỉ khoảng 5%. Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là do mức hỗ trợ học nghề tuy đã đáp ứng được chi phí học các nghề đơn giản nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức chi phí học một số nghề như: Kỹ thuật trang điểm, lái xe hạng B2, lái xe hạng C...
Đặc biệt, với người thất nghiệp đã có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nếu muốn tham gia học nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề thì mức hỗ trợ hiện nay là rất thấp. Bên cạnh đó, cùng một nghề đào tạo nhưng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác nhau lại có mức học phí khác nhau do đó, gây khó khăn cho người lao động trong việc lựa chọn địa điểm để tham gia học nghề. Thêm vào đó, trong quá trình học nghề, người thất nghiệp cũng không được hỗ trợ bất kỳ một chi phí nào khác (tiền ăn, ở, đi lại,...) trong điều kiện họ đang bị mất việc làm cũng là một khó khăn dẫn tới tình trạng người thất nghiệp không muốn tham gia học nghề.
Theo cơ quan chức năng, việc điều chỉnh mức hỗ trợ cũng đã được đưa vào tính toán để đảm bảo độ an toàn của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong dài hạn. Nếu thay đổi mức hỗ trợ học nghề từ 1 triệu đồng/người/tháng thành 1,5 triệu đồng/người/tháng với thời gian hỗ trợ học nghề là 6 tháng và với 20% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề… thì dự báo kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến năm 2030 là khoảng 2.296 tỷ đồng, đảm bảo được an toàn của quỹ.../.