100% tờ khai thuế sẽ được kiểm tra tự động
Đề án đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế giai đoạn 2021 - 2030 của Tổng cục Thuế nhằm tăng cường áp dụng quản lý rủi ro như là một biện pháp hữu hiệu để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế, giảm khiếu nại thanh, kiểm tra.
Theo báo Đại biểu Nhân dân: Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, 100% tờ khai thuế được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng của cơ quan thuế.
Tỷ lệ người nộp thuế được lựa chọn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo rủi ro hàng năm bằng phần mềm ứng dụng quản lý rủi ro của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%.
Tỷ lệ khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra thuế không quá 3%. Tỷ lệ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế đạt tối thiểu 35% trên tổng số công chức toàn ngành.
Xây dựng nội dung hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế về lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thuế
Để thực hiện các mục tiêu trên, Tổng cục Thuế đang xây dựng và hoàn thiện thể chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ thanh, kiểm tra theo hướng áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở kết quả đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro người nộp thuế.
Cụ thể là xây dựng nội dung hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế về lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thuế. Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ phục vụ thanh tra, kiểm tra thuế theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa và tích hợp cao.
Nghiên cứu và hướng dẫn các biện pháp áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra thuế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, các ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu thu thập, xác định đối tượng thanh, kiểm tra thuế đến khâu báo cáo, lưu trữ hồ sơ. Nâng cấp, tích hợp đồng bộ các ứng dụng hiện có phục vụ thanh, kiểm tra thuế...
Về lâu dài, cơ quan thuế sẽ xây dựng mới và nâng cấp các ứng dụng kiểm tra tự động hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Xây dựng ứng dụng nhằm tự động hóa một số bước công việc thanh, kiểm tra dựa trên nền tảng quản lý thuế điện tử và kết nối dữ liệu tự động với bên thứ 3, xác minh đối chiếu hóa đơn điện tử, đối chiếu số thu nộp, xác minh thông tin dữ liệu từ bên thứ 3 thông qua kết nối dữ liệu tự động. Từ đó, tiến tới áp dụng trí tuệ nhân tạo (Al) vào công tác thanh, kiểm tra thuế.
Kiện toàn hệ thống tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế
Để bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế nghiên cứu, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ thanh, kiểm tra thuế đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chuyên sâu, chuyên nghiệp, liêm chính.
Giải pháp trọng tâm là kiện toàn hệ thống tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế tại Tổng cục Thuế nhằm nâng cao vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ với công tác thanh, kiểm tra thuế trong toàn ngành.
Cùng với đó, bổ sung lực lượng thanh, kiểm tra; cơ cấu lại nguồn nhân lực phù hợp với định hướng kiện toàn hệ thống tổ chức thanh, kiểm tra thuế các cấp; đào tạo các kỹ năng, kinh nghiệm thanh tra quốc tế, nhất là thanh tra chuyển giá…
Đặc biệt, ngành thuế sẽ tăng cường đổi mới loại hình, phương pháp và kỹ thuật thanh, kiểm tra thuế theo rủi ro phù hợp với đặc điểm của từng nhóm người nộp thuế nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế, giảm khiếu nại sau thanh, kiểm tra.
Hoàn thiện bộ tiêu chí phân tích rủi ro, lập kế hoạch thanh, kiểm tra thuế
Chia sẻ về lộ trình thực hiện, đại diện Cục Thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế cho biết, trong năm nay ngành thuế sẽ hoàn thiện bộ tiêu chí phân tích rủi ro, lập kế hoạch thanh, kiểm tra thuế.
Từ năm 2023 đến năm 2030, ngành thuế sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Bổ sung nguồn nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra thuế. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra.
Bên cạnh đó, ngành thuế tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền thành lập bộ phận điều tra thuế tại cơ quan thuế để nâng cao tính chủ động và thẩm quyền pháp lý trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thuế.