|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Về hiệu lực thi hành, trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 1/8/2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện. Đồng thời, Nghị quyết sẽ bãi bỏ Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH. Dự kiến nếu Nghị quyết được thông qua, việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Giá xăng dầu có xu hướng tiếp tục tăng cao
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng cao. Mức giá dầu thô bình quân từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 13/6/2022 đối với WTI là 100,96 USD/thùng, tăng 58,49% so với thời điểm ngày 01/01/2022, mức cao nhất đạt 123,7 USD/thùng vào ngày 08/3/2022 (lấy theo giá đóng cửa), thời điểm chạm mốc cao nhất là 130,5 USD/thùng vào ngày 07/3/2021; đối với dầu Brent là 103,80 USD/thùng, tăng 54,77%, mức cao nhất đạt 127,98 USD/thùng vào ngày 08/3/2022 (lấy theo giá đóng cửa), thời điểm chạm mốc cao nhất là 139,13 USD/thùng vào ngày 07/3/2021. Giá dầu thô đóng cửa ngày 16/6/2022 ở mức cao là 117 USD/thùng đối với dầu WTI và 119,03 USD/thùng đối với Brent .
Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) cũng tăng mạnh. Tại kỳ điều hành ngày 13/6/2022, giá xăng dầu thành phẩm biến động tăng từ 41,36% - 84,34% so với kỳ điều hành ngày 11/01/2022, trong đó: xăng RON92 đạt 149,287 USD/thùng, tăng 63,74%; xăng RON95 đạt 154,745 USD/thùng, tăng 66,14%; dầu hỏa đạt 162,946 USD/thùng, tăng 84,34%; dầu diesel đạt 166,591 USD/thùng, tăng 83,61%; dầu mazut đạt 635,931 USD/tấn, tăng 41,36%. Từ kỳ điều hành ngày 13/6/2022 đến nay, giá xăng dầu thành phẩm thế giới có diễn biến tăng từ 2,06% đến 2,63%, riêng dầu mazut giảm 0,98%.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 15 lần (giá xăng tăng 12 lần và giảm 3 lần, trong đó có 2 lần giảm sau khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15).
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 13/6/2022), giá xăng trong nước thiết lập mức cao nhất trong lịch sử. Cụ thể: giá xăng E5RON92 là 31.117 đồng/lít, tăng 7.958 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 3.808 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022; xăng RON95 là 32.375 đồng/lít, tăng 8.499 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 4.222 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022; dầu diesel là 29.020 đồng/lít, tăng 10.781 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 3.940 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022; dầu hoả là 27.839 đồng/lít, tăng 10.701 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 4.075 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022; dầu mazut là 20.357 đồng/lít, tăng 3.995 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, giảm 572 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022.
Bộ Tài chính nhận định, với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao, trong đó có xăng dầu. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Hiện nay, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung, nhất là sau khi mức thuế BVMT được điều chỉnh giảm theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 của UBTVQH. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn) , trong khi đó, ở Việt Nam, với mức thuế BVMT đang được giảm theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 thì tỷ trọng thuế đối với xăng E5RON92 khoảng 23,46%, đối với xăng RON95 khoảng 24,11% và đối với dầu diesel khoảng 12,77% (tính tại kỳ điều hành ngày 13/6/2022).
Để giảm giá xăng dầu, về cơ bản có thể sử dụng giải pháp điều chỉnh chính sách thuế, tuy nhiên đây là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới.
Do đó, để hạn chế sự tác động của diễn biến giá xăng dầu thế giới đối với thị trường trong nước Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải đảm bảo chủ động, ổn định nguồn cung xăng dầu từ khai thác, sản xuất trong nước. Theo đó, song song với các giải pháp tài chính là thực hiện giảm thuế, thì cần thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đề xuất giảm kịch sàn thuế BVMT đối với xăng dầu
Trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng ngày càng tăng cao, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau:
Xăng dự kiến giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít
Nhiên liệu bay dự kiến giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Dầu diesel dự kiến giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.
Dầu mazut, dầu nhờn dự giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Mỡ nhờn dự kiến giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.
Dầu hỏa dự kiến giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Từ ngày 1/1/2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.
Dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng
Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, các hoạt động kinh tế - xã hội đã chuyển về trạng thái như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Do đó, dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 tương đương như thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 là năm 2019.
Với dự kiến sản lượng tiêu thụ như vậy, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT)) là khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.
Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu NSNN (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 7.000 tỷ đồng.
Nếu tính cả phần ước giảm thu NSNN theo Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 2.661 tỷ đồng/tháng) thì tổng giảm thu NSNN bình quân một tháng ước khoảng 4.061 tỷ đồng/tháng và cả năm là khoảng 20.305 tỷ đồng.
Bộ Tài chính tính toán tác động thu NSNN do giá dầu thô tăng cho thấy: Nếu giá dầu thô ở mức 110USD/thùng, tác động tăng thu NSNN do tăng giá dầu thô chỉ khoảng 2.376 tỷ đồng/tháng. Nếu giá dầu thô ở mức 120USD/thùng, tác động tăng thu NSNN do tăng giá dầu thô chỉ khoảng 2.644 tỷ đồng/tháng.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động giá xăng dầu sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng dầu không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ hỗ trợ nền kinh tế và người dân.
Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.
Đối với các ngành sản xuất cũng như các doanh nghiệp có sử dụng đầu vào là xăng dầu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi chính sách được ban hành như ngành vận tải, ngành hàng không...
Hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% - 40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không; từ 35% - 40% giá thành vận tải đối với các dịch vụ xe container, xe tải nặng và khoảng 25% đối với các loại xe khác. Xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm ngành huyết mạch như giao thông vận tải, điện.../.