|
Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Dự thảo nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Mặc dù nền kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhưng cũng đã bộc lộ những tồn tại, khó khăn kìm hãm tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nhất là các dự án lớn; dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn Châu Phi,…Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2019 là 6,8% đã đề ra, nhiệm vụ của những tháng cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp trong tất cả các lĩnh vực.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động ứng phó trước tác động bất lợi từ bên ngoài, biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
Cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh
Dự thảo cũng nêu rõ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Khơi thông nguồn lực, thể chế để tăng cường thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh,đẩy mạnh khuyến khích, phát triển kinh tế khu vực tư nhân; Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa gắn với cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công, cơ cấu lại danh mục nợ trong nước của Chính phủ. Thực hiện nghiêm các luật thuế, phí và lệ phí, cải cách thủ tục hành chính về thuế, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất linh hoạt, thận trọng; phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Ngăn ngừa tình trạng bong bóng bất động sản trong năm 2019; đồng thời có biện pháp hạn chế tín dụng đen.
8 nhóm giải pháp cần thực hiện ngay để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh
Dự thảo đề xuất 8 nhóm giải pháp cần thực hiện ngay để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 đã đề ra như sau:
1. Quyết liệt đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
2. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
3. Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra.
4. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp, xây dựng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn, bổ sung năng lực tăng thêm cho nền kinh tế.
5. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất nhập khẩu.
6. Phát triển mạnh mẽ du lịch, góp phần lan tỏa tới nhiều ngành dịch vụ thị trường phát triển.
7. Tăng cường thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, các công trình trọng điểm; bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2019.
8. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
KL