|
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu. (Ảnh minh họa: Báo Bạc Liêu) |
Liên minh của ngành công nghiệp điện gió đứng đầu là Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) đã đề nghị Chính phủ gia hạn Biểu giá FiT áp dụng cho điện gió. Ngành điện gió của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng giảm đà đầu tư trong năm 2020 do sự không chắc chắn xung quanh khuôn khổ đầu tư, trong đó sự chậm trễ trong việc gia hạn biểu giá FiT sẽ cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng và gây trở ngại cho việc giảm chi phí tại thị trường điện gió mới hình thành này, và kết quả là sẽ đẩy lùi mục tiêu của Việt Nam về một tương lai có được nguồn điện sạch, đáng tin cậy và giá phải chăng.
Việt Nam là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất trong khu vực, với công suất khoảng 500 MW trên bờ và ngoài khơi đang được lắp đặt và ít nhất 4 GW dự kiến sẽ được đưa vào vận hành năm 2025. Tuy nhiên, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến phát triển dự án điện gió ở Việt Nam đã chậm lại đáng kể trong năm 2020, vì các dự án điện gió trên bờ thường yêu cầu 2 năm để phát triển trong khi đó biểu giá điện FiT hiện tại chỉ áp dụng cho các dự án hoàn thành trước tháng 11 năm 2021. Do chưa có sự rõ ràng về kế hoạch giá FiT từ năm 2022 trở đi nên các nhà đầu tư phải đối mặt với quá nhiều bất trắc khi cam kết đầu tư cho các dự án điện gió mới, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưới điện trong tương lai và dẫn tới cắt giảm việc làm.
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Điện gió Toàn cầu nhận định: “Việt Nam đã được công nhận rộng rãi là quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch ở Đông Nam Á và thu hút cam kết đầu tư từ một số doanh nghiệp đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam cần tránh làm chậm lại các khoản đầu tư thực sự cần thiết cho ngành này bằng cách gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FiT, từ đó đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện, tạo ra hàng chục nghìn việc làm có tay nghề cao và cung cấp năng lượng sạch, cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.”
Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương đã công nhận tiềm năng to lớn của năng lượng gió trong việc sản xuất điện sạch và tăng trưởng xanh. Vào tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung thêm gần7 GW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam điều chỉnh (PDP 7 Điều chỉnh). Tuy nhiên, thực tế là phần lớn trong số gần 7 GW này có thể không đạt được do không chắc chắn về việc gia hạn biểu giá FiT.
Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) là một tổ chức gồm các thành viên, đại diện cho toàn bộ ngành điện gió. Các thành viên của GWEC đại diện cho hơn 1.500 công ty, tổ chức và định chế tại hơn 80 quốc gia, bao gồm các nhà sản xuất, các nhà phát triển, các nhà cung cấp, các viện nghiên cứu, các hiệp hội năng lượng tái tạo và năng lượng gió quốc gia và khu vực, các nhà cung cấp điện, các công ty tài chính và bảo hiểm. |
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của Hiệp hội Điện gió Toàn cầu cho rằng: “Việt Nam đang trên đà đạt được lợi thế về quy mô và giảm chi phí trong ngành điện gió và đà này cần được duy trì nếu muốn tránh chu kỳ phát triển bùng nổ và suy thoái. Do quy định về khuôn khổ thời gian thực hiện dự án nên chậm trễ trong gia hạn biểu giá FIT dẫn tới nguy cơ xảy ra giai đoạn “suy thoái” của ngành, khi đó rất ít dự án được kết nối với lưới điện trong giai đoạn 2022-2023. Về lâu dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới nỗ lực giảm chi phí nhờ phát triển chuỗi cung ứng nhất quán, quy mô lớn và kết quả là Việt Nam sẽ có ít năng lượng tái tạo hơn với giá thành cao hơn”.
Ít nhất 1,65 GW từ các dự án điện gió được dự báo sẽ được lắp đặt trước khi giá FiT hiện tại hết hạn vào tháng 11 năm 2021. Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch, sẵn có, đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng. Hơn nữa, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phát triển này có thể tạo ra hàng tỷ đô la vốn đầu tư và hàng trăm nghìn việc làm trong dài hạn.
Liên minh của ngành hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc gia hạn giá FiT hiện hành và đưa ra một biểu giá FiT mới. Hiện nay, ngành điện gió ngày càng rơi vào tình trạng khó khăn, sự quan tâm của các nhà đầu tư bị trì hoãn trong năm 2020 cộng thêm với sự gián đoạn do đại dịch COVID-19. Do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng điện gió toàn cầu và tỷ lệ CAPEX kém thuận lợi tại các khu vực dành cho các dự án điện gió mới, đặc biệt là xung quanh Đồng bằng sông Cửu Long, bài toán về đầu tư cho các dự án điện gió ở Việt Nam sẽ chịu thách thức đáng kể nếu không có một kế hoạch về biểu giá FiT minh bạch và thỏa đáng được công bố trong thời gian sớm nhất.
Cho đến nay, thị trường điện gió ở Việt Nam đã được hưởng lợi từ dòng vốn trong nước và nước ngoài ngày càng lớn. 4 GW dự kiến được lắp đặt vào năm 2025 có thể mang lại tới 65.000 việc làm và khoảng 4 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư. Để hiện thực hoá tiềm năng này, Chính phủ Việt Nam cần hành động ngay để gia hạn thời gian áp dụng giá FiT cho điện gió và tránh tình trạng chậm trễ kéo dài trong đầu tư và lắp đặt năng lượng sạch trong những năm tới.
Việt Nam là thị trường năng lượng gió phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với công suất lắp đặt trong đất liền và trên biển đạt khoảng 500 MW, cùng với 4 GW sẽ được kết nối thêm từ nay tới năm 2025.
Ngành công nghiệp điện gió dự kiến sẽ mang lại 65.000 việc làm và khoảng 4 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào Việt Nam từ nay tới năm 2025, nhờ đó giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và cải thiện nền kinh tế năng lượng.
Biểu giá điện (FiT) của Việt Nam đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió trong hai năm qua và cần được gia hạn khẩn cấp để duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư và tránh chu kỳ “suy thoái” của ngành trong giai đoạn 2022-2023.
|