Đề xuất đấu giá công khai biển số xe theo nhu cầu 

(Chinhphu.vn) - Bộ Công an đang trình Chính phủ dự thảo nghị quyết để xin ý kiến Quốc hội về việc thí điểm đấu giá biển số xe...
Sẽ đấu giá công khai biển số theo nhu cầu, biển số theo tên

Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật TTATGT đường bộ trên Cổng TTĐT Bộ Công an - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 6/5, Bộ Công an tổ chức diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trên Cổng TTĐT Bộ Công an. 

Diễn đàn được tổ chức với mục đích tiếp nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân; phát huy dân chủ, sức mạnh của nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan chức năng của Bộ Công an với nhân dân.

Xây dựng nền giao thông văn minh

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực ATGT, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Đây là 3 lĩnh vực khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật.

Tham gia diễn đàn, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nêu rõ, sau hơn 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số bất cập. Luật này không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực, hoặc nội dung quá lớn, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên của luật.

Việc xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, là đòi hỏi tất yếu, khách quan của thực tiễn để đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, ATGT và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ trong tình hình mới.

Quá trình chuẩn bị từ năm 2019 đến năm 2022, Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận rất kỹ, thống nhất cao, ban hành 5 nghị quyết về việc này. Đồng thời đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ GTVT tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và đã nhận được sự đồng thuận cao của việc xây dựng 2 luật.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, việc ban hành 2 luật sẽ luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật và bổ sung một số quy định mới, tạo ra một hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách, bất cập thực tiễn đang đặt ra về TTATGT.

Đồng thời, sẽ cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước rõ ràng, rành mạch, cụ thể cho từng bộ, ngành, trong đó xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT đường bộ, khắc phục những bất cập, hạn chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, đảm bảo tính chuyên nghiệp, tránh chồng chéo.

Cùng với đó là tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra; cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Việc ban hành 2 luật sẽ có tác động tích cực về mặt xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, như tạo được sự thuận lợi, an toàn; tạo thói quen tốt cho người dân, doanh nghiệp khi tham giao thông; góp phần quan trọng xây dựng nền giao thông văn minh.

Đấu giá, cấp biển số xe theo sở thích

Nhiều độc giả gửi câu hỏi về diễn đàn quan tâm về việc lựa chọn các hình thức cấp biển số xe theo quy định hiện hành (thông qua hệ thống đăng ký), hoặc lựa chọn việc cấp biển số xe theo sở thích (có thu phí) và lựa chọn việc cấp biển số xe thông qua hình thức đấu giá.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, dự thảo quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải được cấp biển. Đây là điều kiện để tham gia giao thông, còn hình thức cấp biển do Chính phủ quy định.

Luật Quản lý tài sản công quy định tài nguyên số là một dạng tài sản công, nên Chính phủ sẽ quyết định dưới hai hình thức. Một là vẫn duy trì hình thức cũ (bấm số ngẫu nhiên) để đảm bảo công khai minh bạch, hai là có thể đấu giá biển số nếu người dân có nhu cầu.

Hiện nay, việc đấu giá biển số không còn đưa vào dự thảo luật, vì nó liên quan đến rất nhiều luật, cần phải sửa đổi bổ sung, chứ không riêng Luật TTATGT.

Bên cạnh đó, quy định cấm mua bán biển số trái phép hiện đã sửa. Còn quy định về quyền và nghĩa vụ dân sự của người trúng đấu giá đang có nhiều ý kiến. Đây là quyền tài sản đầy đủ hay là chỉ sử dụng thì việc này cần có thời gian xem xét.

Bộ Công an đang trình Chính phủ dự thảo nghị quyết để xin ý kiến Quốc hội về việc thí điểm đấu giá biển số xe, vì nội dung này liên quan đến nhiều luật, chứ không riêng luật về giao thông. Điều này phải sửa đổi cả Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách. Tinh thần của đề án là tất cả biển số đưa ra để cấp thì người dân đều được chọn bấm ngẫu nhiên, không có biển số xấu đẹp, nhưng sắp tới sẽ có biển số theo nhu cầu, như biển số theo tên.

"Chúng tôi đề nghị người dân được lựa chọn, hoặc là bấm biển số ngẫu nhiên hoặc lựa chọn biển số. Nếu lựa chọn thì số đó sẽ được chuyển sang cơ quan phụ trách đấu giá trực tuyến công khai. Người nào trả giá cao hơn sẽ được tiếp nhận", Đại tá Đỗ Thanh Bình nói.

Nhật Nam

203 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1549
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1550
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78002560