Đề xuất dành gần 272 nghìn tỷ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 

(ĐCSVN) – Chính phủ đề xuất tổng nguồn vốn 271.935,65 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

 

Chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, chương trình thực hiện ở địa bàn vùng DTTS&MN là các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên. Phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển: Địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn); Địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II) và địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I).

 UBTVQH cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Ảnh: TTXVN)

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 thiết kế thành 10 dự án.

Dự kiến tổng nguồn vốn Chương trình: 271.935,65 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025: 137.664,95 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030: 134.270,70 tỷ đồng

Nguồn ngân sách trung ương cho giai đoạn 2021 - 2025: 104.954,01 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương: 50.629,16 tỷ đồng; vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương: 54.324,85 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan là thành viên. Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình. Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ thành lập Văn phòng điều phối đặt tại Ủy ban Dân tộc để tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc, tính toán thêm về khả năng huy động nguồn vốn, cân đối nguồn vốn của Nhà nước thực hiện Chương trình.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, tổng nguồn vốn đề xuất là con số tối thiểu để thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, do Chính phủ chưa ban hành bộ tiêu chí phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển để xác định chính xác địa bàn, đối tượng, nên chưa rõ cơ sở của việc tính toán, định mức làm căn cứ đề xuất nguồn vốn.

Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ cần đánh giá, phân tích làm rõ với hệ thống chính sách dân tộc đã thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 có bao nhiêu chương trình và tổng nguồn vốn đã được bố trí cho vùng DTTS&MN (đặc biệt là các chính sách do các bộ, ngành quản lý và các chương trình mục tiêu khác).

Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ xây dựng kịch bản, với nguồn vốn bố trí như hiện nay (thấp hơn nhiều lần đề xuất ban đầu) thì đáp ứng được bao nhiêu mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, đề nghị nên có cơ chế ưu tiên nguồn vốn viện trợ nước ngoài, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, thu vượt ngân sách... để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS&MN.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về các mục tiêu thể hiện trong Chương trình mà Chính phủ trình còn nhiều điểm chung chung, chưa cụ thể. Theo ông, các mục tiêu cần phải nhấn mạnh rõ việc thực hiện Chương trình nhằm thay đổi những gì: thay đổi căn bản đời sống, thu nhập, kinh tế hay xã hội…. của vùng đồng bào DTTS?

Với dự kiến tổng nguồn vốn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ lo lắng “không cẩn thận sẽ thiếu tiền để thực hiện chính sách”. Theo ông, đề ra chính sách mà không có tiền thì nợ chính sách, dẫn đến mất niềm tin của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra, trong nội dung Chương trình mà Chính phủ trình đang thiếu hẳn phần giải pháp cơ bản, do vậy đề nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện nội dung này cho đầy đủ. Đồng thời đề nghị, trong kế hoạch đầu tư không chỉ có ngân sách trung ương và ngân sách địa phương mà cần bổ sung một phần đóng góp từ nhân dân. “Chúng ta phải luôn quán triệt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhân dân có thể không bỏ ra bằng tiền mà bằng sức, không nhiều thì ít” – ông lưu ý.

Bàn về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc Hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng nguồn vốn mà Chính phủ đề xuất không lớn, nhưng những mục tiêu đề ra lại khá lớn, nhiều và tản mác, do vậy sẽ khó đảm bảo tính khả thi nếu không huy động các nguồn lực khác. “Đề ra quá nhiều mục tiêu sẽ dẫn đến tản mạn và dẫn đến nợ chính sách, nên tập trung cho các công trình lớn, cái nào xã hội hóa được thì xã hội hóa” – ông đề nghị.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, khi quy định về các mục tiêu trong Chương trình cần chú ý đến đặc thù dân tộc, nhất là vấn đề bảo tồn văn hóa ngàn đời của vùng DTTS&MN./.

 
Kim Thanh
525 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1155
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1155
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87145433