Đề xuất cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC 

(Chinhphu.vn) – Văn phòng Chính phủ đang dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

 

Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ cho biết, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thời gian qua được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đi đôi với quá trình cải cách TTHC trên các lĩnh vực, giảm mạnh, bãi bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được triển khai và được xem như là giải pháp trong đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo cơ sở cho quá trình thực hiện và tăng cường khả năng giám sát của nhân dân, các tổ chức, cá nhân đối với việc thực thi công vụ, bảo đảm cho việc thực hiện được quyền lợi, nghĩa vụ của mình và qua đó, nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước.

Các địa phương đã chủ động trong chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; giải quyết các thủ tục cho cá nhân và tổ chức thông thoáng, thuận tiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đến nay, tại cấp tỉnh đã có 1.138/1.210 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (chiếm tỷ lệ 94%), cấp huyện có 705/713 đơn vị (chiếm tỷ lệ 98.9%), cấp xã có 10.981/11.162 đơn vị (chiếm tỷ lệ 98,4%)  thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

Tuy nhiên, qua triển khai thực tế, có một số vấn đề còn hạn chế cần phải có những quy định để điều chỉnh. Cụ thể, Quyết định 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đặt tại Văn phòng cơ quan và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Văn phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Đối với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Quyết định 09/2015/QĐ-TTg mới chỉ quy định được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm hành chính tập trung. Tuy nhiên từ thực tế với sự sáng tạo của các địa phương, đến nay đã có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai theo mô hình một cửa tập trung. Theo đó, đơn vị này là đầu mối tập trung để thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc giải quyết TTHC cho cá nhân và tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và một số cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Cách làm này đến nay đã thể hiện được tính hiệu quả trong việc giải quyết TTHC cho người dân, với tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng hạn cao. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nên việc triển khai mô hình tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động và mối quan hệ chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Trung tâm của các địa phương hiện không thống nhất, chưa xác định được loại hình là cơ quan hành chính hoặc đơn vị sự nghiệp công lập, Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản hay không. Vì vậy, cần được nhìn nhận cụ thể hơn về mô hình tổ chức, cách thức thực hiện đánh giá và đo lường hiệu quả của cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Bên cạnh đó, về việc giải quyết các TTHC theo cơ chế liên thông, thực tiễn hiện nay cho thấy, việc thực hiện liên thông giữa các cấp hành chính còn khó khăn, đặc biệt là liên thông giữa cơ quan hành chính ở địa phương với các cơ quan trung ương. Bên cạnh đó, mối quan hệ làm việc giữa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các cơ quan chuyên môn còn chưa được quy định cụ thể dẫn đến kết quả phối hợp không cao. Theo đó, cần thiết quy định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quy trình giải quyết TTHC theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong từng quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả; trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện liên thông theo các quy trình liên thông dọc và liên thông ngang, nhất là trách nhiệm của các Bộ trong việc xây dựng thể chế về liên thông để làm cơ sở tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Các quy định của pháp luật cũng như văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, về giao dịch điện tử trên môi trường mạng... đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, chưa thực sự mang lại thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện TTHC cũng như chưa được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình…

Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã đề xuất xây dựng Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC nhằm thúc đẩy mạnh hơn tiến trình thực hiện cơ chế này, gắn cơ chế một cửa với nhiều giải pháp khác về cải cách TTHC nhằm đẩy mạnh chất lượng thực hiện TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn
632 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1002
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1002
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87131398