Đề xuất 2 phương án về quản lý lao động, quỹ tiền lương của SCIC 

(Chinhphu.vn) – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Trong đó, đối với quy định về quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện, tạm ứng quỹ tiền lương, phân phối tiền lương, tiền thưởng, Bộ đề xuất 2 phương án.

 

Ảnh minh họa

Cụ thể, SCIC thực hiện quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương kế hoạch, đơn giá tiền lương, tạm ứng tiền lương, quỹ tiền lương thực hiện, phân phối tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo quy định tại Mục 2; Điều 9, 10, 13 Mục 3 và Mục 4 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1/9/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo phương án 1, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch, mức tiền lương bình quân thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 14 và Khoản 2 Phụ lục kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH thì chỉ tiêu năng suất lao động được tính theo chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương (thay cho chỉ tiêu tổng thu trừ tổng chi chưa có lương) như sau:

Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương, bao gồm: vốn do chủ sở hữu góp trực tiếp, vốn tại doanh nghiệp tiếp nhận và vốn chủ sở hữu được hình thành từ lợi nhuận sau thuế (quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối). Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương năm sau được xác định bằng vốn chủ sở hữu tính lương tính đến 31/12 năm trước liền kề cộng mức tăng hoặc trừ mức giảm vốn tại doanh nghiệp tiếp nhận nhân với 30%, và cộng mức tăng hoặc trừ mức giảm vốn chủ sở hữu được hình thành từ lợi nhuận sau thuế nhân với 70%.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, ưu điểm của phương án này là phản ánh đầy đủ được đặc thù và hao phí lao động của SCIC trong việc tạo ra và quản trị sản phẩm “công cụ vốn và công cụ nợ”; về lâu dài khi SCIC hoàn tất quá trình tiếp nhận và thoái vốn thì hoạt động sẽ tương tự như một quỹ đầu tư, việc tính năng suất lao động theo vốn chủ sở hữu là phù hợp với thực tế các quỹ đầu tư đang sử dụng chỉ tiêu NAV để khoán chi phí (trong đó có chi phí lương); đảm bảo được mục tiêu ổn định tiền lương theo Nghị định 147/2017/NĐ-CP.

Nhược điểm là phương án này xảy ra hiện tượng trùng lắp về việc sử dụng chỉ tiêu lợi nhuận để tính lương cho người lao động. Cụ thể: Lợi nhuận vừa được sử dụng để tính năng suất lao động (vốn chủ sở hữu được hình thành từ lợi nhuận sau thuế) vừa được sử dụng để tính hiệu quả. Tuy nhiên, việc trùng lắp này là không trái quy định hiện hành (năng suất lao động vẫn được tính bằng doanh thu trừ chi phí chưa lương hay còn gọi là lợi nhuận chưa lương nên về bản chất là tính theo lợi nhuận), phù hợp với đặc thù và hao phí lao động của SCIC (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là chỉ tiêu hiệu quả nhưng khi đã được phân phối và chuyển vào quỹ đầu tư phát triển thì sẽ trở thành nguồn lực đầu tư và SCIC phải hao phí lao động để thực hiện quá trình đầu tư, quản trị vốn đầu tư và thu hồi lợi nhuận).

Đối với phương án 2, khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch, mức tiền lương bình quân thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 14 và Khoản 2 Phụ lục kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH có một số điều chỉnh như sau: Về chỉ tiêu năng suất lao động được tính theo chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương (thay cho chỉ tiêu tổng thu trừ tổng chi chưa có lương) như sau: Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương, bao gồm: vốn tại doanh nghiệp tiếp nhận và giá vốn (tính theo đánh giá lại) của hàng bán được trong năm. Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương được tính bằng giá trị vốn tại doanh nghiệp tiếp nhận nhân với 30%, cộng với giá vốn (tính theo đánh giá lại) của hàng bán được trong năm nhân với 70%.

Năng suất lao động và tiền lương bình quân thực hiện năm trước liền kề được thay thế bằng năng suất lao động và tiền lương bình quân của giai đoạn từ 2014-2017.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ưu điểm của phương án này là phản ánh một cách trực diện hao phí lao động đối với 2 hoạt động tiếp nhận và bán vốn của người lao động, không xảy ra hiện tượng trùng lắp trong việc sử dụng lợi nhuận để tính năng suất lao động và hiệu quả khi xác định lương của người lao động như phương án 1.

Nhược điểm: Phương án này chỉ phản ánh hao phí lao động ở 2 hoạt động (tiếp nhận và bán vốn), không phản ánh đầy đủ đặc thù và hao phí lao động của SCIC (hao phí lao động để quản trị vốn và làm gia tăng giá trị tại doanh nghiệp chưa bán; hao phí lao động để bán vốn nhưng không bán được và hao phí lao động để nghiên cứu đầu tư nhưng không đầu tư được; đầu tư vào các dự án đầu tư mới,…); không đảm bảo nguyên tắc ổn định tiền lương của người lao động như quy định tại NĐ 147/2017/NĐ-CP vì khi so sánh năng suất lao động phải so sánh năm sau với năm định gốc, thực tế các nguồn tiếp nhận và nguồn bán dự kiến giai đoạn 2018 -2020 sẽ giảm mạnh; không đảm bảo có sự tương đồng giữa năng suất lao động định gốc và tiền lương bình quân định gốc (năng suất lao động định gốc được lấy tương ứng với tiền lương tối đa theo quy định của Nhà nước, trong khi tiền lương bình quân định gốc giai đoạn 2014-2017 được lấy theo thực tế quyết toán, thấp hơn mức tối đa theo quy định của Nhà nước).

Theo dự thảo, khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH thì chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch được so sánh với mức lợi nhuận 5.000 tỷ đồng (thay cho việc so sánh với chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề).

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn
509 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 707
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 708
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87033763