Đề xuất 2 phương án nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công 

(ĐCSVN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 02 phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: CPV

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, căn cứ Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 01/7/2023, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị. Theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng.

Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 02 phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng như sau:

Phương án 1: điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 55.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 26,54%).

Phương án 2: điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.111.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 111.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 29,99%).

Trên cơ sở mức chuẩn được quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung, các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng, hằng năm, một lần được điều chỉnh tăng theo mức chuẩn và được thực hiện kể từ ngày 01/7/2023. Riêng đối với mức chi chế độ điều dưỡng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thời điểm điều chỉnh tăng theo mức chuẩn kể từ ngày 01/01/2024 để đảm bảo các đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm 2023 được thực hiện thống nhất cùng một mức chi tính theo mức chuẩn quy định tại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021.

Về kinh phí thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với mức chuẩn hiện hành quy định tại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP là 1.624.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 29.495 tỷ đồng.

Theo phương án 1, nếu nâng mức chuẩn lên 2.055.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.223 tỷ đồng, tăng thêm 2.728 tỷ đồng.

Theo phương án 2, nếu nâng mức chuẩn lên 2.111.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.663 tỷ đồng, tăng thêm 3.168 tỷ đồng và cao hơn 440 tỷ đồng so với phương án 1.

Bên cạnh đó, năm 2024, với cơ cấu điều dưỡng tập trung là 20% tổng số đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm thì nếu theo phương án 1 kinh phí thực hiện chế độ điều dưỡng năm 2024 là 1.113,7 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 233,7 tỷ đồng so với năm 2023. Còn nếu theo phương án 2 thì kinh phí thực hiện chế độ điều dưỡng năm 2024 là 1.144 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 264 tỷ đồng so với năm 2023 và cao hơn 30,3 tỷ đồng so với phương án 1.

Như vậy, với thời điểm thực hiện như trên và mức chuẩn theo phương án 1 thì nhu cầu kinh phí đảm bảo là 33.336,7 tỷ đồng, mức chuẩn theo phương án 2 thì nhu cầu kinh phí đảm bảo là 33.807 tỷ đồng (cao hơn 470,3 tỷ đồng so với phương án 1)./.

 
Tú Giang
196 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 927
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 927
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87121537