Đề xuất “nới” thời gian gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số 

(Chinhphu.vn) – Nhiều doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) đề xuất tăng thời gian gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số lên 5 năm, thay vì 1 lần/năm như hiện nay.

Tại Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số (CKS) và dịch vụ chứng thực CKS do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức mới đây, các DNCA cho biết, trong 10 năm trở lại đây, họ rất vất vả khi làm các thủ tục liên quan đến cấp lại giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, vì mỗi lần cấp lại, các thủ tục phải làm mới hoàn toàn như xin giấy phép lần đầu.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav giãi bày, khi dùng thẻ visa của ngân hàng, nếu sau thời gian 2-3 năm mà không có nợ xấu thì ngân hàng tự động gia hạn thẻ mới cho người dùng mà không cần phải yêu cầu chủ thẻ làm đăng ký các thông tin liên quan. Tương tự, khi đã làm đầy đủ và đúng quy định các thủ tục cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS lần đầu tiên, trong quá trình hoạt động không xảy ra vấn đề gì thì rất cần các cơ quan quản lý xem xét lại quy định này tại Dự thảo mới nhằm giảm thủ tục cấp lại giấy phép không cần thiết cho DN.

Một nội dung khác cũng liên quan đến giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS được các DN đề cập nhiều tại Hội thảo đó là những bất cập trong vấn đề gia hạn giấy phép này.

Ông Phùng Huy Tâm, Phó giám đốc Công ty CP công nghệ thẻ Nacencomm (CA2-CA) nhận định, nghiệp vụ gia hạn là nghiệp vụ quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng đến cốt lõi của dịch vụ chứng thực CKS nhưng trong Dự thảo lần này lại bỏ phần gia hạn.

“Khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà không gia hạn thì sẽ không biết khách hàng có sử dụng dịch vụ không. Chúng tôi cũng chưa nhìn thấy hoạt động nào cứ định kỳ lại phải cấp mới”, ông Tâm nói.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 26/2007/NĐ-CP, quy định các CA chỉ được gia hạn một lần với thời hạn 1 năm. Quy định này không khả thi và được dẫn chứng là trong 10 qua, không có DN nào thực hiện gia hạn đúng như quy định.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Việt Cường, đại diện FPT-CA cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ 26 lần này, vấn đề lớn nhất chính là thời hạn cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS cho các CA. Thực tế, khi cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng, các gói cước dịch vụ CA cung cấp tới khách hàng thường có điều kiện thời gian từ 1-3 năm. Do đó, nếu thời hạn cấp phép quá ngắn, hết thời hạn lại chỉ được gia hạn 1 năm thì điều đó sẽ gây tác động rất lớn đối với doanh nghiệp.

Đại diện Bkav cũng chia sẻ, các DN khi tiến hành khai thủ tục hải quan phải dùng chữ ký số, nhưng vì lý do nào đó, như đến thời điểm bắt đầu kê khai lại mà chữ ký số hết hạn, phải mua mới, khi đó thì ID của chữ ký số đó bị thay đổi, DN được cập nhật vào hệ thống của cơ quan hải quan, tuy nhiên hệ thống của cơ quan hải quan phải sau 12h đêm mới cập nhật, dẫn đến hàng hóa thay vì thông quan trong ngày thì lại mất thêm thời gian hàng hóa để ở cảng.

“Nhiều lần DN phải xử lý rất mệt mỏi, ngoài việc DN phải nộp tiền để hàng hóa ở cảng, còn làm ảnh hưởng tới tiến độ của nhiều đơn vị như  đơn vị gia công của nước ngoài, thậm chí ảnh hưởng 1-2 lần sẽ mất đối tác với gia công nước ngoài”.

Từ thực trạng nêu trên, các CA kiến nghị giữ lại nội dung về gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS như quy định tại Nghị định 26 hiện hành nhưng nới thêm thời gian gia hạn giấy phép lên 5 năm để đảm bảo theo thông lệ chung của quốc tế và tính liên lục trong cung cấp dịch vụ.

Về thời hạn cấp phép, nhiều ý kiến đề xuất giữ nguyên như quy định hiện hành là 10 năm, thay vì rút ngắn còn 5 năm như đề xuất trong dự thảo Nghị định mới. Đồng thời đề xuất dự thảo Nghị định mới cần quy định rút ngắn các thủ tục cho DN về thời gian thẩm tra, cấp phép, đặc biệt, với trường hợp gia hạn, cần rút ngắn thời gian cấp phép vì thực tế DN đã được thẩm tra kỹ khi cấp phép ban đầu. Quy định tại Dự thảo mới quy định thời gian cấp phép mới là 60 ngày làm việc.

Về chứng thư số nước ngoài, theo Dự thảo, hồ sơ cấp giấy phép đăng ký sử dụng chứng thư số của nước ngoài tại Việt Nam được hiểu là đề nghị công nhận một chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam, chứ không phải thủ tục cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài cho một tổ chức, cá nhân. Như vậy xét về mặt thủ tục thì Dự thảo nới lỏng hơn cho chứng thư số nước ngoài trong khi lại thắt chặt quản lý với chứng thư số trong nước. Điều này là bất hợp lý trong khi chủ trương chung của Nhà nước là ưu tiên thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ trong nước. Mặt khác, trong khi dịch vụ chứng thực số là dịch vụ đặc thù, liên quan đến an ninh và an toàn thông tin, vì chỉ 1 chứng thư số nước ngoài xảy ra rủi ro tại Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người sử dụng khác.

Theo Bà Phùng Thị Anh, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT, Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS ra đời cách đây 10 năm, trong bối cảnh dịch vụ chứng thực CKS tại Việt Nam chưa hình thành.

Đến nay, sau 2 lần sửa đổi (năm 2011 và 2013), thực tiễn triển khai Nghị định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Vì thế, việc xây dựng và ban hành Nghị định mới thay thế là cần thiết để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực CKS, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CKS trong các hoạt động kinh tế xã hội và trong cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử.

Theo đó, tại dự thảo Nghị định thay thế lần này có nhiều điểm mới như bỏ quy định đối với thủ tục gia hạn giấy phép, giảm thời gian xử lý với thủ tục thay đổi nội dung giấy phép, cấp lại giấy phép từ 60 ngày làm việc xuống 10 ngày làm việc đối với trường hợp thay đổi nội dung giấy phép, 7 ngày với trường hợp xin cấp lại giấy phép. Dự thảo Nghị định mới cũng bổ sung thêm trường hợp bị tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép khi không thực hiện nghĩa vụ thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số…

Hiền Minh

408 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1236
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1236
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84492763