Để vốn đầu tư công trở thành động lực phát triển xã hội 

(ĐCSVN) - Dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), nhưng đến thời điểm này kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Thực tế, chỉ khi các bộ, ngành, địa phương cùng doanh nghiệp đồng lòng thực hiện với một quyết tâm cao, khi đó công tác giải ngân vốn ĐTC mới thật sự có đột phá, phát huy được vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Khẩn trương vào cuộc ngay từ đầu năm

Mặc dù năm 2023, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, còn khó khăn hơn so năm 2022, song các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đều đã sẵn sàng tâm thế và vào cuộc ngay từ những ngày đầu năm. 

 Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân ĐTC - động lực chủ chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với việc khẩn trương triển khai các dự án (DA) trọng tâm, DA động lực, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân ĐTC - động lực chủ chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023. Ngay trong những tháng đầu năm 2023, công tác phân bổ vốn kế hoạch ĐTC của năm đã hoàn thành 90% khối lượng. Đây là yếu tố rút ngắn việc chạy đua với thời gian, bởi nếu so năm 2022, phải đợi tới thời điểm cuối quý III thì công tác phân bổ vốn mới hoàn thành, khiến khối lượng công việc trong các tháng cuối năm càng dồn dập, và kết quả chung cuộc đạt thấp hơn so kỳ vọng.

TP Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2022 tỷ lệ giải ngân ĐTC đạt chưa đến 70% kế hoạch vốn được giao. Sang năm 2023 - năm trọng điểm triển khai ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư mà thành phố được giao là hơn 70.000 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần so năm 2022. Xác định đây là thách thức không nhỏ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã rút kinh nghiệm từ các năm trước, sớm phân bổ vốn ngay từ những ngày đầu năm và vạch ra nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân ĐTC. Đặc biệt, thành phố yêu cầu đối với DA đã được phân bổ vốn, chủ đầu tư phải có kế hoạch triển khai ngay. Đến tháng 7 này nếu không làm rõ được kế hoạch giải ngân sẽ điều vốn sang DA khác.

Đánh giá cao quyết tâm thúc đẩy giải ngân các DA ĐTC đã được Chính phủ thể hiện rõ và tạo sức ép thực thi xuống từng bộ, ngành, đơn vị trong Nghị quyết 01/NQ-CP, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận xét, về cơ bản, Nghị quyết vẫn nêu các đầu việc cụ thể cần triển khai trong năm của từng bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên có điểm mới là Chính phủ giao quyền chủ động hơn cho các đơn vị trong giải ngân ĐTC. 

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương có quyền quyết định ưu tiên công việc nào làm được trước thì làm trước để sớm phát huy hiệu quả; công việc nào chưa làm được thì để sau, đồng thời chủ động phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp. Cùng với nêu cao trách nhiệm của các cấp thực thi, cần tiếp tục rà soát và tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong giải ngân. Cụ thể là nên duyệt và cấp ngân sách theo tiến độ DA, thay vì theo gói ngân sách hàng năm, để tiền được đưa vào đúng những DA giải ngân tốt, sớm phát huy hiệu quả. 

 Tạo đột phá trong công tác giải ngân

Thực hiện các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật ĐTC, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân bổ vốn, nhập dự toán để phục vụ giải ngân ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn. 

Về quy trình thủ tục thanh toán vốn, Bộ Tài chính đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại cơ quan thanh toán xuống chỉ từ 1 - 3 ngày làm việc. Đồng thời, Bộ Tài chính đã quyết liệt chỉ đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) đẩy mạnh việc giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai, minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

Nằm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ - một trong những địa phương thực hiện khá tốt công tác giải ngân vốn ĐTC, ngay từ năm 2018, KBNN tỉnh Phú Thọ đã mạnh dạn triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, chứng từ của khách hàng được thông qua DVCTT của KBNN. Đại diện KBNN tỉnh Phú Thọ cho biết, giờ khách hàng không phải mang chứng từ thủ công đến KBNN, việc giao dịch được thực hiện ở mọi thời điểm thông qua chứng từ điện tử. Việc này đã góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí hành chính cho các đơn vị. 

Là Ban quản lý triển khai thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý DA các công trình NN&PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, đến thời điểm hiện tại vốn đã bố trí cho các DA là 128 tỷ đồng, vốn giải ngân là 30,5 tỷ đồng đạt 24% kế hoạch.

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, ngoài việc đôn đốc các nhà thầu khắc phục khó khăn đẩy nhanh tiến độ, thường xuyên họp giao ban kiểm điểm tiến độ ngay tại công trường... thì Ban quan lý luôn theo dõi đôn đốc nhà thầu, cập nhật, đo đạc tính toán sẵn đề sẵn sàng hỗ trợ nhà thầu trong việc nghiệm thu thanh toán giai đoạn, rút ngắn tối đa thời gian hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Qua đó, hồ sơ thanh toán giai đoạn của nhà thầu được gửi đi KBNN kiểm soát thanh toán, nhà thầu cũng được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng tái sản xuất cho các nhiệm vụ tiếp theo. Việc giải ngân vốn ĐTC được thường xuyên, liên tục, không có hồ sơ để dồn cuối năm, giảm áp lực kiểm soát thanh toán cho cả Ban quản lý DA và KBNN.

Thực tế minh chứng, việc thực hiện giao dịch qua hệ thống DVCTT đã góp phần công khai, minh bạch về quy trình thủ tục, thời gian tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ thanh toán và góp phần công khai, minh bạch, lành mạnh nền tài chính quốc gia. Cơ bản các hồ sơ giao dịch trên DVCTT đều được giải quyết đúng thời hạn quy định, nhiều trường hợp đã được tiếp nhận và giải quyết ngay, giúp rút ngắn thời gian giao dịch, thanh toán cho DA. Với phương pháp này đã hỗ trợ kiểm soát cho cán bộ thực hiện, giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại giao dịch với KBNN, giúp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC.

Tương tự, sau 5 năm thực hiện DVCTT, đến nay hệ thống DVCTT đã ở mức độ 4 (nhận trả kết quả trên DVCTT) được KBNN tỉnh Bắc Giang triển khai đến 100% chủ đầu tư thuộc đối tượng bắt buộc tham gia sử dụng DVCTT; số lượng giao dịch đạt tỷ lệ trên 99,3% tổng số hồ sơ, chứng từ giao dịch. 

Nhờ đó, theo Phó Giám đốc KBNN tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thắng Thức, đến thời điểm này, giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước khoảng 14.382 tỷ, trong đó, tổng số vốn giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2023 là 625 tỷ đồng trong tổng vốn 9.725 tỷ đồng, đạt 6,4% kế hoạch vốn. Ngay từ đầu năm, KBNN tỉnh và các KBNN huyện đã phối hợp chặt chẽ cơ quan Tài chính và chủ đầu tư thực hiện nhập dự toán chi đầu tư vào Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), làm cơ sở thanh toán vốn cho các DA một cách đơn giản, thông thoáng và chính xác. 

Ông Nông Bằng Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý DA Đầu tư xây dựng TP. Bắc Giang cho biết, nằm ngay trung tâm thành phố Bắc Giang, tính đến thời điểm hiện nay, Dự án cầu Á Lữ ước đạt gần 80% khối lượng. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì hàng tuần, Ban quản lý DA đều nghiệm thu theo công việc, đủ khối lượng thì sẽ làm thủ tục thanh toán ngay không để tồn dư. Năm 2023 này, TP Bắc Giang có 114 dự án với tổng đầu tư trên 2.400 tỷ đồng, do đó ngay ngay từ đầu năm, Ban quản lý DA phối hợp chặt chẽ với KBNN tỉnh Bắc Giang triển khai tốt các hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng thanh toán ngay khối lượng hoàn thành cho dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố.

Đánh giá về sự phối hợp giữa Ban quản lý dự án với Kho bạc tỉnh, ông Nông Bằng Sơn cho biết, đã hai đơn vị đã kịp thời trao đổi những vướng mắc phát sinh để có biện pháp giải quyết theo đúng thẩm quyền, qua đó tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Ban quản lý dự án đạt yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Tuy vậy, theo Bộ Tài chính, dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Thực tế cho thấy, chỉ khi các bộ, ngành, địa phương cùng đồng lòng thực hiện với một quyết tâm cao, khi đó công tác giải ngân vốn ĐTC mới thật sự có đột phá. Để cải thiện công tác giải ngân vốn ĐTC, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc phân bổ vốn theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ. Thứ nhất là phải ưu tiên thu hồi vốn ứng trước. Thứ hai, thanh toán toàn bộ các DA đã hoàn thành đưa vào sử dụng đang chờ quyết toán; DA đã quyết toán đang còn thiếu vốn; DA hoàn thành trong kế hoạch 2023. Đây chính là yếu tố để cho “tiền đi ngay” và tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đối với những DA chuyển tiếp phải rà soát, ưu tiên, tập trung bố trí vốn cho các DA mang tính chất liên vùng, trọng điểm, không bố trí vốn dàn trải, manh mún. Đối với các DA khởi công mới phải đáp ứng đủ các tiêu chí như đủ thủ tục đầu tư, không bị vướng mặt bằng xây dựng. Đây chính là khâu tiên lượng về kế hoạch vốn và khả năng thực hiện DA để tránh tình trạng chia đều vốn cho các DA nhưng bị vướng mắc các thủ tục đầu tư sẽ không giải ngân được. Còn đối với các công trình trọng điểm thì thực hiện theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Các yếu tố này được giải quyết sớm cũng sẽ là một bước đột phá cho công tác giải ngân. Tuy nhiên, giải pháp mạnh nhất, căn cơ nhất vẫn nằm ở chính sự quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”

Để đẩy nhanh và sớm hơn nữa tiến độ giải ngân vốn ĐTC làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, chúng ta cần thực hiện nghiêm và hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Các bộ, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công... để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn. Đặc biệt, một yếu tố rất quan trọng góp phần quyết định khả năng tăng tốc giải ngân, đó là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư DA, giải ngân vốn ĐTC hay trong quyết định điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, DA sử dụng nguồn vốn kế hoạch ĐTC trung hạn và các nhiệm vụ, DA sử dụng nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo địa phương phải đúng nguyên tắc, tiêu chí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, rà soát những DA đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân (nhất là DA đến nay có số giải ngân bằng 0). Từ đó, phân bổ đủ kế hoạch vốn cho các DA đã được phê duyệt quyết toán, DA đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, DA chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2023 còn thiếu vốn. Khẩn trương triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt DA đầu tư để phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được giao. Nhập đủ, kịp thời kế hoạch vốn của từng DA trên Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) đối với số phân bổ chi tiết đủ điều kiện thanh toán theo quy định. Các địa phương phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi KBNN kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành. Đối với các DA ODA và vay ưu đãi nước ngoài, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng. Đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.

Đối với cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu, đẩy mạnh việc thanh toán nhanh qua cổng DVCTT, giảm thời gian giải ngân vốn cho đơn vị thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”. Ngoài ra, các bộ, ngành, cơ quan trung ương cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các DA quan trọng quốc gia, chương trình, DA phát triển hạ tầng trọng điểm, DA sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội./.

 
Bài, ảnh: Minh Phương
134 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 689
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 689
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77992720