Để vốn đầu tư công thành động lực phát triển xã hội - Bài 1: Nhận diện những điểm nghẽn, rào cản 

(ĐCSVN) – Năm 2023, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nội tại, trong đó, quan trọng nhất là vốn đầu tư công (ĐTC). Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nên việc thúc đẩy tiến độ giải ngân ĐTC sẽ giúp tăng tổng cầu, tăng đốc độ luân chuyển dòng vốn trong nền kinh tế.

Trăn trở với “nghịch lý” trong đầu tư công

Sau 3 năm, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, những ký ức về sự khốc liệt của cuộc chiến với dịch bệnh đã trở thành quá khứ, nhưng nhiệm vụ phục hồi kinh tế, nối lại vòng quay phát triển là một áp lực rất lớn đối với chính quyền tỉnh Bắc Giang. Nhất là vào thời điểm này, khi mà tỉnh Bắc Giang vừa tích cực kiện toàn cơ sở hạ tầng kết nối với quy hoạch chung của các vùng kinh tế lân cận, vừa đầu tư phát triển, với một lượng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) lớn.

KCN Việt Hàn đang gấp rút hoàn thành giai đoạn 1 để bàn giao cho chủ đầu tư  

Đặc biệt, huyện Việt Yên là địa bàn trọng tâm phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với 4 khu công nghiệp (KCN) lớn, gồm: 3 KCN đã đi vào hoạt động và đã được lấp đầy với lượng công nhân rất lớn, khoảng gần 200.000 công nhân, 1 KCN (KCN Việt Hàn) đang gấp rút hoàn thành giai đoạn 1 để bàn giao cho chủ đầu tư. Một lãnh đạo huyện Việt Yên chia sẻ, việc giải quyết hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục cho các nhà đầu tư, nhà thầu là rất lớn, thời gian làm việc hành chính của một ngày là không đủ với yêu cầu tiến độ ở các dự án (DA), công trình trên địa bàn...

Sự trăn trở với công tác đền bù, hỗ trợ, GPMB không chỉ làm khó cho các cấp chính quyền địa phương, khi bàn về công tác giải ngân vốn ĐTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, năm 2023 tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát ở mức cao. Hậu quả đại dịch COVID-19 trên toàn cầu còn nặng nề… Là một nước đang phát triển, nền kinh tế của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội tại còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh ấy, nền kinh tế chịu sức ép lớn, một trong những giải pháp để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững là thúc đẩy ĐTC. Trên thực tế, vốn giải ngân ĐTC là nguồn lực, là động lực phát triển, song đây lại là vấn đề “trăn trở” kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ của Chính phủ. Công tác giải ngân vốn ĐTC và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nặng nề khi tổng kế hoạch vốn NSNN năm 2023 là gần 711.700 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so năm 2022.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trước đây, khó khăn nhất trong ĐTC là không có tiền để làm. Còn hiện nay, chúng ta đã lo được tiền nhưng lại không triển khai được. Những vướng mắc, tồn tại trong công tác ĐTC nói chung và công tác giải ngân vốn ĐTC nói riêng là những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, là những vướng mắc do chúng ta “tự làm khó mình, tự đem đá buộc chân mình”. Đặc biệt là những vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. Cụ thể, trong chuẩn bị đầu tư, theo quy định hiện hành, khi có tiền thì mới được lập dự án (DA) đầu tư. Như vậy, khi bố trí được tiền mới lập DA đầu tư thì… 2 năm sau mới giải ngân được. Bộ Tài chính đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập DA đầu tư khi cần thiết. Khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì. Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập DA đầu tư thì vướng hết!

Thật ra, việc chậm giải ngân vốn ĐTC diễn ra nhiều năm nay. Minh chứng là số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay cho thấy, tỷ lệ giải ngân ĐTC luôn ở mức thấp, trừ các năm 2020 - 2021 việc giải ngân được đẩy mạnh để hỗ trợ giảm thiểu hậu quả COVID-19. Chính vì vậy, khi nói về việc giải ngân ĐTC, cần thẳng thắn nhìn nhận về cốt lõi vấn đề này. Công tác giải ngân vốn ĐTC luôn chậm do những điểm nghẽn, rào cản cố hữu.

Dự án Tàu điện trên cao Nhổn - Ga Hà Nội  

Rào cản nối tiếp rào cản

Sang năm 2023, tuy công tác giải ngân ĐTC đã có sự cải thiện, song vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn nhất định khi trên thực tế việc vướng nhiều rào cả chưa thể dỡ bỏ ngay được. Đơn cử như công tác đền bù, GPMB luôn chậm trễ khiến tiến độ giải ngân cũng chậm theo và hiệu quả của ĐTC thì giảm đi. Thực tế, dù đã được cải thiện so trước, song năm 2023 vẫn còn khó khăn nhất định trong việc giải ngân ĐTC. Cụ thể như việc GPMB - khó khăn cơ bản trong ĐTC. Các DA ĐTC trọng điểm như tuyến cao tốc bắc - nam phía Đông, các tuyến đường cao tốc kết nối Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ... có đặc điểm chung là đi qua nhiều địa phương nên yêu cầu về GPMB tương đối phức tạp. 

Minh chứng như trường hợp của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong năm 2023, đơn vị được giao lượng vốn ĐTC cao kỷ lục, hơn 94.000 tỷ đồng và triển khai dồn dập nhiều DA quan trọng quốc gia, ngành GTVT tiếp tục được đặt kỳ vọng rất lớn, song đi kèm với đó cũng là áp lực và thách thức rất lớn. Theo kế hoạch, bình quân mỗi tháng, Bộ GTVT phải giải ngân khoảng 8.000 tỷ đồng. 

Tại cuộc họp trực tuyến liên quan đến tình hình triển khai thực hiện các DA dự kiến khởi công trong năm 2023 do Bộ GTVT tổ chức mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm nay, ngành GTVT dự kiến khởi công 27 DA, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, vẫn gặp nhiều khó khăn khi việc bàn giao mặt bằng thi công khá chậm. Thí dụ, DA cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Đồng Nai), đây là một trong 5 DA quan trọng quốc gia dự kiến khởi công trước ngày 30/6, thế nhưng việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng tại địa phương khó hoàn thành trước ngày 30/6 theo yêu cầu. Nguyên nhân do khối lượng GPMB rất lớn khi địa phương đảm nhận công tác đến bù, GPMB cho cả DA thành phần 1 và DA thành phần 2 với khoảng 2.000 hộ dân cần di dời, công tác xây dựng khu tái định cư gặp nhiều khó khăn. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tính đế cuối tháng 2/2023, Bộ GTVT giải ngân được 10.737 tỷ đồng, đạt 11,4% kế hoạch năm, cao gấp gần 4,5 lần cùng kỳ năm 2022. Ngay trong tháng 3, Bộ GTVT đã tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra hiện trường và làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu... và nhất là GPMB. 

Tại Hà Nội, tính đến hết ngày 31/1/2023, còn 145 DA chưa giải ngân hết kế hoạch vốn với tổng kế hoạch chưa giải ngân hết là 3.704,6 tỷ đồng, chiếm 25,2% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản DA cấp thành phố. Nguyên nhân chính là do công tác bố trí vốn đối ứng của cấp huyện cho các DA này còn chậm, dẫn đến việc triển khai các công tác chuẩn bị thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện như: phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, khởi công DA, GPMB… bị chậm theo. 

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ rõ, vấn đề liên quan đến GPMB luôn là nút thắt lớn nhất trong triển khai các DA ĐTC trên địa bàn thành phố. Vì vậy ngay từ đầu năm tất cả các cơ chế, chính sách có liên quan đã được lãnh đạo thành phố rà soát, nhận diện và có sự chuẩn bị từ sớm. Từ đó, thành phố tiến hành phân cấp, ủy quyền để tập trung gỡ khó GPMB và triển khai các DA trọng điểm.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022 được giao 54.000 tỷ đồng vốn ĐTC, nhưng đến ngày 31/1/2023 mới giải ngân được 71,3%. Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn không đạt kế hoạch là bởi bất cập trong thủ tục thực hiện DA, giá vật liệu xây dựng tăng, đặc biệt cũng là GPMB chậm.

Dự án cầu Việt Đồng nối giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương 

Áp lực của việc phân bổ, giải ngân vốn ĐTC luôn tăng cao 

Có thể thấy, nếu thành công trong việc phân bổ và giải ngân thì nguồn vốn ĐTC sẽ là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, về tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan Trung ương (CQTW) và địa phương tính đến cuối tháng 2/2023, tổng số vốn đã phân bổ là 672.032,241 tỷ đồng, đạt 95,05% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 79.464,632 tỷ đồng, chiếm 11,24% kế hoạch kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Đến thời điểm cuối tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 của 49/52 bộ, CQTW và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong số bộ, CQTW và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 26/49 bộ, CQTW và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch được giao, cụ thể như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hưng Yên, Tuyên Quang...

Nghịch lý là qua quá trình thực hiện việc kiểm tra, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn của các bộ, CQTW và địa phương, Bộ Tài chính phát hiện “nhiều đơn vị phân bổ cho một số DA chưa đủ điều kiện giải ngân như: DA khởi công mới chưa có quyết định đầu tư; DA chuẩn bị đầu tư chưa có dự toán chuẩn bị đầu tư được phê duyệt; phân bổ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội cho một số DA không thuộc danh mục DA sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...”.

Đơn cử như tại tỉnh Hưng Yên, có DA được bố trí vốn quá thời gian quy định. Hay tại tỉnh Đắk Nông có hai DA dự kiến hoàn thành năm 2023 nhưng chưa bố trí đủ vốn NSTW theo tổng mức đầu tư được duyệt. Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ 150 tỷ đồng vốn NSTW chương trình phục hồi cho hai DA thuộc lĩnh vực y tế khi chưa có quyết định đầu tư và chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSTW của chương trình.

Về nguyên nhân và áp lực của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, Bộ Tài chính chỉ rõ, đối với nguồn vốn NSTW không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, trong số bộ, CQTW và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 26/49 bộ, CQTW và 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn NSTW đã được giao. Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP), có 39/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối NSĐP tăng so vốn Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. Bên cạnh đó, vẫn còn 15/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối NSĐP. Thứ ba, đối với vốn kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch vốn của 40/48 địa phương, trong đó, có 15/40 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Mới đây, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, ước tính 4 tháng năm 2023, bốn tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương mới chỉ giải ngân được 4.200 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch. Trong đó, Đắk Nông đạt 18,61%; Gia Lai 13,82%; Đồng Nai đạt 12,57% và Bình Dương đạt 14,64%. Các địa phương này đều có DA chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023). Cụ thể, tỉnh Đắk Nông 36 DA; tỉnh Gia Lai 21 DA; tỉnh Đồng Nai 09 DA; tỉnh Bình Dương 21 DA.

Theo 4 địa phương này, giải ngân vốn ĐTC chậm do khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch ĐTC hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn. Vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện.

Thực tế cho thấy, năm 2023, kế hoạch vốn ĐTC từ nguồn NSNN kỷ lục, chưa kể kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang, sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn cho việc giải ngân vốn ĐTC năm nay. Khi nguồn vốn ĐTC được phân bổ, giải ngân chậm sẽ kìm hãm tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nếu vào thời điểm đầu năm, giải ngân vốn ĐTC được “khai thông” chắc chắn các con số tăng trưởng kinh tế của cả năm sẽ khả quan hơn.

(Còn nữa)

371 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 948
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 948
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87135269