Các đại biểu sau phiên thảo luận toàn thể  tại Hội trường chính (Ảnh: HNV) 

Với mong muốn tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” lần thứ ba (Contemporary Issues in Economics, Management and Business – 3rd CIEMB 2020). Đây là Hội thảo khoa học quốc tế lớn nhất do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên và năm nay là năm thứ ba của chuỗi hội thảo này.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 18 và 19/11/2020 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành kinh tế, quản trị và kinh doanh có cơ hội để trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình. Đồng thời, cung cấp nền tảng cho các cuộc tranh luận về các vấn đề đương đại trong các lĩnh vực nghiên cứu trên, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu. Ngoài ra, còn góp phần gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế.

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả chính là những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới trình bày và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất. Các bài trình bày tại phiên chính của Hội thảo lần này đã tập trung bàn luận về các vấn đề kinh tế, quản trị và kinh doanh hiện nay và xu hướng mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp.

Các diễn giả chính bao gồm GS. Diane Coyle - Viện Chính sách công Bennett, ĐH Cambridge, Vương quốc Anh; GS. David Orsmond - ĐH Macquarie, Australia; TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội thảo đã nhận được hơn 120 bài nghiên cứu gửi về từ các quốc gia trên thế giới như Anh, Trung Quốc, Canada, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Bỉ, Malaysia, Úc… Ban tổ chức đã lựa chọn được gần 100 bài để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo và mời đến trình bày trong 11 phiên thảo luận song song có kết nối online với các tác giả ở nước ngoài về mọi chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh, với sự chủ trì của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

TS Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (Ảnh: HNV) 

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam tại Hội thảo, TS Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng và lạc quan về triển vọng của Việt Nam. Theo TS Jacques Morisset, năm nay, Việt Nam có thể trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới ở góc độ tăng trưởng kinh tế với nhiều thành quả đạt được. “Dù vẫn còn nhiều điều khó lường, chúng ta cũng chưa biết chắc rằng vắc xin có thực sự hiệu quả hay không…nhưng tôi tin rằng, sang năm 2021, Việt Nam chắc chắn sẽ tang tốc mạnh mẽ hơn. Chúng tôi kỳ vọng với nhiều tín hiệu khả quan như việc nghiên cứu vắc xin đang có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang từng bước trở lại dù không bẳng trước đây nhưng đang tang lên trên toàn cầu… Việt Nam có thể tang trưởng khoảng trên 6% vào năm 2021.” – TS Jacques Morisset nói.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế trưởng WB này, Việt Nam đã biết nắm bắt cơ hội tốt từ khủng hoảng. Đơn cử: nếu như thương mại toàn cầu năm nay sụt giảm nghiêm trọng thì Việt Nam vẫn nỗ lực để xuất khẩu được nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới, đặc biệt, cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi mà tiêu dùng sụt giảm…Hay nếu như trước đây Việt Nam không thực sự hiệu quả trong việc số hóa nhưng từ khi khủng hoảng do dịch bệnh xảy ra thì 2/3 công ty ở Việt Nam đã chuyển đổi hoặc chuyển hướng sang sử dụng nền tảng số. Đây thực sự là 1 nguồn sức mạnh mới của Việt Nam. Không chỉ lực lượng tư nhân mà ngay cả Chính phủ cũng rát tích cực để chuyển đổi thông qua chính quyền hay chính phủ điện tử…Đây là minh chứng cho sự thích ứng nhanh của Việt Nam trong tình hình mới.

Dịp này, các diễn giả cũng gửi tới Việt Nam thông điệp về việc tiếp tục mở cửa mạnh mẽ hơn với thế giới theo hướng chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng nhà đầu tư, đặc biệt chuyển đổi có hiệu quả sang nền kinh tế số để gia tăng hiệu quả và tính cạnh tranh trong việc sử dụng nguồn lực.

Tuy nhiên, các diễn giả cũng lưu ý: hiện, Việt Nam đang là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam cần phải có hành động nhanh và mạnh mẽ hơn nếu không muốn bị ảnh hưởng tới thành quả phát triển của mình.

Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh và bền vững hiệu quả, Việt Nam cần phải xác định rõ ràng, minh bạch tầm nhìn trong tương lai và chia sẻ thông tin một cách minh bạch, giúp người dân có nhận thức và trách nhiệm tốt hơn trong việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội./.

 

 
Lê Anh