ĐỂ VIỆC NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG NGÀY CÀNG THỰC CHẤT VÀ HIỆU QUẢ 

Công tác nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tạo sự thống nhất trong Đảng, là điều kiện tiên quyết đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng hàng đầu của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, khi nghị quyết được ban hành, cấp ủy các cấp phải lãnh đạo tổ chức học tập, quán triệt trong nội bộ và tuyên truyền sâu rộng nhằm tạo sự nhất trí giữa nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong Nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi khó khăn” . “Các đồng chí cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần Nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt. Nhưng cán bộ thấm nhuần chưa đủ. Phải làm cho tinh thần Nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy hết thắng lợi, khả năng và khó khăn của ta, thấy rõ khả năng của ta to lớn hơn khó khăn nhiều, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được”

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, việc triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được các cấp ủy trong toàn Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, bằng nhiều hình thức như: trực tuyến, truyền hình trực tiếp được cán bộ, đảng viên đánh giá cao; vừa nâng cao chất lượng báo cáo viên, vừa tiết kiệm thời gian và kinh phí đối với cơ sở. Việc đổi mới hình thức, nội dung học tập, quán triệt phù hợp với từng đối tượng đã tạo sự hấp dẫn, từng bước khắc phục được sự nhàm chán, hình thức. Công tác tổ chức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết được chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo mục đích, yêu cầu.

Cùng với việc tổ chức học tập, việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đã bám sát những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nêu trong từng chỉ thị, nghị quyết gắn với chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị; bảo đảm rõ mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt và thường xuyên, lâu dài. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng được hoàn thành ngay sau khi học tập, quán triệt. Hàng năm, các cấp ủy tổ chức kiểm điểm, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện; bổ sung các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. 

Đi đôi với việc học tập, quán triệt, công tác tuyên truyền được tiến hành sâu rộng, kịp thời, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên đưa tin, bài, mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về những nội dung cơ bản của từng chỉ thị, nghị quyết của Đảng và quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Sau mỗi đợt học tập, các cấp ủy trong toàn tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch. Hầu hết các địa phương, đơn vị đều thực hiện nghiêm túc viết bài thu hoạch, cấp ủy tiến hành kiểm tra đánh giá bài thu hoạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bài thu hoạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về cơ bản đều đạt yêu cầu, trả lời đầy đủ các câu hỏi mà Ban tổ chức hội nghị đưa ra. Đa số bài thu hoạch đều nhận thức đầy đủ, sâu sắc các nội dung cơ bản, những điểm mới trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; có sự liên hệ các nghị quyết, chỉ thị với chức năng, nhiệm vụ, vai trò trách nhiệm bản thân, địa phương, đơn vị trong thực tiễn công tác. Một số địa phương, đơn vị thông qua bài thu hoạch đã nghiên cứu đề xuất kiến nghị, giải pháp thiết thực của cán bộ, đảng viên để bổ sung vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp, nhằm đưa các nghị quyết, chỉ thị đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, qua thực tiễn đã chỉ ra một số hạn chế cần phải khắc phục để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc học tập nghị quyết như: Một số cấp ủy còn chưa nhận thức đúng về vị trí và tầm quan trọng của việc triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng. Việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia học tập còn chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tinh thần, thái độ học tập chưa nghiêm túc, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Một số cấp ủy cơ sở khi xây dựng chương trình hành động còn chung chung, hình thức. Năng lực, phương pháp trình bày của một số báo cáo viên, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ cho học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở một số xã, phường, thị trấn còn khó khăn, chưa đảm bảo yêu cầu.

Để việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian tới ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, đặc biệt là việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các cấp ủy Đảng trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số các nhiệm vụ sau:

Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trước hết, đề cao trách nhiệm của đồng chí Bí thư cấp ủy, yêu cầu Bí thư cấp ủy phải là người chủ trì, chỉ đạo hội nghị quán triệt và trực tiếp triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là đối với những chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng, nghị quyết của Đảng bộ cấp mình. Cần có quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cấp ủy viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Hai là, các cấp ủy đảng cần phải đổi mới phương pháp, cách thức ban hành văn bản chỉ đạo cũng như cách thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng như: đối tượng, thành phần, thời gian, tài liệu học tập; báo cáo viên; công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới hình thức tổ chức học tập bằng những hình thức phù hợp như: truyền hình trực tuyến, ở các chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề, cần thiết thì tổ chức hội thảo, tọa đàm, mời các chuyên gia tham dự. Cần lấy hiệu quả của việc quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng là tiêu chí đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Ba là, tăng cường đối thoại về các nhiệm vụ, giải pháp, phân công rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể; khắc phục lối truyền đạt một chiều; có thái độ kiên quyết đối với những nơi làm hình thức, kém hiệu quả. Tăng cường đối thoại, thảo luận các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn, nhất là mở rộng dân chủ trong đối thoại, trao đổi, thảo luận, góp ý dự thảo chương trình hành động của cấp ủy thực hiện nghị quyết của Đảng. Trong phân công tổ chức thực hiện cần quan tâm đến chuyên môn, nghiệp vụ từng ngành, từng lĩnh vực, sở trường của mỗi cán bộ, đảng viên, làm tốt điều đó sẽ giải quyết được tính chung chung của chương trình hành động, khắc phục được nhược điểm cơ bản như cái gì cũng được học, được quán triệt nhưng khi vận dụng vào việc cụ thể thì không biết phải thực hiện thế nào.

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên các cấp, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ báo cáo viên. Các cấp ủy trong toàn tỉnh cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống báo cáo viên các cấp, bảo đảm về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có uy tín trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức nghiên cứu, học tập và triển khai thực hiện nghị quyết. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí khung để đánh giá chất lượng học tập của cán bộ, đảng viên sau mỗi đợt học tập, quán triệt. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra chất lượng người học bằng hình thức viết bài thu hoạch của mỗi cán bộ, đảng viên sau học tập. Có biện pháp biểu dương kịp thời những tổ chức đảng và đảng viên thực hiện tốt, góp ý, phê bình những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc khi học nghị quyết. Xuân Ngọc

10143 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1224
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1224
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87111521