ĐỂ THỰC HIỆN TỐT TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG SINH HOẠT ĐẢNG 

Tự phê bình và phê bình là một trong những quy luật phát triển của Đảng ta, là biện pháp để tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Trong các bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để Đảng thường xuyên trở nên trong sạch, vững mạnh”. Hiện nay, các cấp ủy đảng đang tiến hành công tác tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm. Mặc dù, có những tiến bộ do có sự chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của Trung ương, của Tỉnh ủy, nhưng không phải tất cả các chi, đảng bộ, mọi đảng viên đều đã làm tốt việc tự phê bình và phê bình. Thường vẫn nặng về phê bình, chưa mạnh dạn tự phê bình để thấy hết hạn chế, khuyết điểm của cá nhân mình. Có nơi chưa nắm vững phương pháp phê bình, chưa thực hiện đủ các nội dung của tự phê bình và phê bình, làm qua loa, chiếu lệ, né tránh khuyết điểm, thậm chí còn lợi dụng phê bình để nói xấu, chỉ trích nhau gây căng thẳng và hiệu quả không cao. Cho nên, việc nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng luôn vấn đề cấp thiết, không thể xem nhẹ.

Hướng dẫn số 21-HD/BTCTWW, ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên nêu rõ: Kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tự soi, tự sửa lại mình, từ đó đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ. Trong kiểm điểm phải khắc phục tình trạng nể  nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; phải nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” để sửa chữa, khắc phục. Thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả. Một phương pháp, công cụ hữu hiệu, đắc lực để thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ, đảng viên, đó chính là tự phê bình và phê bình.

Để tự phê bình và phê bình đạt kết quả tốt, trước hết cấp ủy chi bộ cần quán triệt cho đảng viên nhận thức được quan điểm trong tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ lợi ích của Đảng mà khẳng định mặt tốt để phát huy, mặt chưa tốt để sửa chữa. Tự phê bình không hề làm giảm uy tín của cán bộ, đảng viên, mà thể hiện dũng khí và tính đảng của người đảng viên cộng sản. Cho nên mỗi đảng viên phải nghiêm túc tự phê bình, không vì “sĩ diện cá nhân”, “sợ mất uy tín” mà che giấu khuyết điểm hoặc tự phê bình qua loa cho xong chuyện. Trong phê bình không nên cố chấp, hoặc có thái độ thiếu chân tình và xây dựng, thiếu bình tĩnh, không đao to búa lớn, càng không được vì thành kiến cá nhân mà có thái độ châm biếm, đả kích cá nhân, nói sai sự thật, tung tin thất thiệt để làm mất uy tín người khác. Cũng cần tránh tình trạng vì nể nang, dĩ hòa vi quý, bao che khuyết điểm cho nhau hoặc phê bình theo kiểu “nói khuyết điểm nhưng thực chất lại đề cao ưu điểm”. Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Nếu không kiên quyết tự phê bình và phê bình thì cũng giống như giấu giếm bệnh trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng. Nhưng cách phê bình phải thành thật, thấm đượm lòng nhân ái, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau''. Cha ông ta có câu: “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng”. Khen thì dễ nhưng “phê” thì rất khó. Ai cũng muốn được khen mà không muốn bị chê, chê là đụng chạm đến khuyết tật của con người, đụng chạm đến nó là sẽ đau, chính vì thế trên thực tế, không ít người sợ bị phê bình và ngại phê bình người khác. Do vậy phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, trong sáng, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp nói ý kiến của mình để “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, không “nhẹ trên, nặng dưới”. Biết tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình. Kết hợp chặt chẽ phê bình và tự phê bình với sửa chữa khuyết điểm. Khi thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt, “bới lông, tìm vết”. Bởi vì có dân chủ mới mong trong Đảng có nhiều sáng kiến, mới tập trung được trí tuệ. Mất dân chủ, khiến cho “các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình” hoặc lợi dụng phê bình để tranh cãi, gây mất đoàn kết hoặc khuyết điểm chưa rõ thì tìm cách che dấu…, những biểu hiện như vậy là không đúng, trái với quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, như thế làm cho tính chiến đấu, dân chủ giảm sút, năng lực lãnh đạo, chất lượng sinh hoạt đảng của chi bộ không thiết thực, những khuyết điểm của tổ chức đảng chậm được phát hiện.

Cần phải thực hiện “nêu gương tự phê bình và phê bình”, theo đó, đảng viên và cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu tự phê bình, nhất và về khuyết điểm, hạn chế của mình; đồng thời khuyến khích cấp dưới và đảng viên phê bình mình và thật sự cầu thị tiếp thu ý kiến phê bình. Sự nghiêm túc, trung thực, khách quan trong tự phê bình của đảng viên là cán bộ chủ chốt không chỉ tạo đà, thúc đẩy một chi bộ, một cơ quan phát triển mà còn tạo ra một nếp sống có văn hóa trong sinh hoạt Đảng, làm gương cho đảng viên noi theo, thúc đẩy công tác tự phê bình và phê bình trong chi bộ đạt hiệu quả.

Tự phê bình là cuộc đấu tranh tư tưởng cam go, phức tạp giữa cái đúng, cái sai, giữa thiện và ác của chính bản thân mình, bởi vì đối tượng tự phê bình chính là bản thân mỗi đảng viên. Bác Hồ đã dạy cán bộ, đảng viên: “Thấy được khuyết điểm là một bước tiến bộ. Nhưng mới chỉ là bước đầu. Thấy rồi phải lo sửa. Đang sửa thì phải sửa cho hết. Đã sửa rồi thì phải giữ mình đừng để mắc phải nữa”. Cho nên, qua mỗi kỳ tự phê bình và phê bình, mỗi đảng viên phải kịp thời rút kinh nghiệm để có biện pháp cụ thể phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Tự cá nhân đấu tranh chưa đủ mà cần có sự giúp đỡ nhắc nhở thường xuyên của tập thể, do đó chi bộ và tập thể đảng viên cũng cần quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện để đảng viên sửa chữa khuyết điểm, có kế hoạch tiến hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, không phải chờ đến kỳ sinh hoạt cuối năm mới góp ý.

 Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là vũ khí sắc bén để chống tả khuynh và hữu khuynh; uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ; tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí... Hiện nay các chi, đảng bộ đang chuẩn bị tiến hành tự phê bình và phê bình gắn với đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm. Do đó, cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên để thấy được mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình chính là để giúp nhau cùng tiến bộ, từ đó có giải pháp để thực hiện tự phê bình và phê bình đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiếu đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng.- Hải Yến-

14781 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 552
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 552
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87105860