Để nhân tài thực sự là nguồn nhân lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của để phương 

Thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nhân tài và xác định đây là một động lực rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Người cho rằng nhân tài là người tài đức và nhấn mạnh: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.

Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về thu hút, trong dụng nhân tài. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra nhiệm vụ: “Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn”. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã yêu cầu: “Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững”.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, trong đó, tiêu biểu là Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng xác định “bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ… tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”. Điều này cho thấy, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Nhằm hiện thực hóa các qua điểm của Đảng, ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tổng quát là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như khoa học - công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Quyết định đề ra 15 nhiệm vụ cụ thể giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện. Trong chiến lược cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp rất căn bản đó là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài. Cụ thể, việc tìm kiếm nhân tài nhằm phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước. Một giải pháp nữa là nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài...

Đối với tỉnh Quảng Trị, xác định việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài là một trong những nội dung quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có rất nhiều chủ trương, chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút nhân tài về làm việc tại tỉnh nhà như Đề án 236/ĐA-UB, ngày 05/3/2003 của UBND tỉnh về một số chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng cán bộ (sửa đổi năm 2009 tại Quyết định số 114/QĐ-UB, ngày 10/6/2009); Nghị quyết số 12/2013/NQ, ngày 31/5/2013 của HĐND tỉnh về một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh giai đoạn 2013- 2020; Nghị quyết Số: 09/2017/NQ-HĐND, ngày 23/05/2017 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND,  ngày 31/5/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy đỊnh một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 – 2020.

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhấn mạnh “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”. Đặc biệt, ngày 09/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 166/2021/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026 với mức ưu đãi cao từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Đây là mức hỗ trợ mới tuy chưa cao so với mặt bằng chung cả nước, nhưng cũng đã nằm ở mức cao so phù hợp với nguồn cân đối ngân sách của tỉnh.

Qua quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND về thu hút, trong dụng nhân tài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới đang đặt ra. Đặc biệt, đối với, việc thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, luôn được quan tâm, chú trọng và triển khai nhanh chóng, đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tạo tiền đề cho đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, số lượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được phát hiện, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP là 16 người, trong đó, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc: 07 người; cán bộ khoa học trẻ: 09 người. Từ năm 2018 - 2020, đã thu hút, tuyển dụng 15 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc cán bộ khoa học trẻ, trong đó có 04 Nam và 11 Nữ.

Qua theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, các công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách thu hút quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP đã thể hiện được trình độ, năng lực của bản thân, hoàn thành tốt các công việc được giao theo yêu cầu nhiệm vụ và được cơ quan, đơn vị sử dụng công chức, viên chức đánh giá cao; với phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức được đào tạo chính quy, bài bản, đã góp phần cải tiến lề lối, phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đối với, việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hút và trong dụng nhân tài, thời gian qua đã được triển khai một cách quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết số 166/2021/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, đã đạt được những kết quả bước đầu. Với kết quả trên, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài của tỉnh vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị các cấp đã tương đối phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, vấn đề thu hút, trong dụng nhân tài của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, nên vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu sử dụng; chưa thu hút được người tài thực sự về công tác tại tỉnh nhà. Chỉ mới thu hút, tuyển dụng được vào viên chức đối với một số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trong lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, còn đối với một số ngành, nhất là ngành y còn rất nhiều hạn chế, khó khăn. Mặt khác, do địa kinh tế của tỉnh Quảng Trị không được thuận lợi, đồng thời chính sách thu hút cũng chưa đủ sức hấp dẫn để những đối tượng trên mong muốn được vào làm việc tại tỉnh Quảng Trị, nhất là những người có học hàm, học vị cao…

Do đó, trong thời gian tới, để góp phần hoàn thiện thêm chính sách thu hút nhân tài thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ và các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh Quảng Trị, phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh thuộc trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, trước hết cần phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài. Tạo môi trường cởi mở, dân chủ, khuyến khích và coi trọng sáng tạo, khuyến khích tính vượt trội, độc đáo của cá nhân.

Đồng thời, đổi mới tuyển dụng công chức, viên chức nhất là đội ngũ nhân tài, nhân lực chất lượng cao, phải tập trung thực hiện chính sách nhân tài, có chế độ, cơ chế chính sách góp phần phát hiện, tuyển chọn, tiến cử, bồi dưỡng người có tài năng trong hoạt động công vụ. Xây dựng tiêu chuẩn để kiểm chứng tài năng, dựa vào những thực chứng có thể đo đếm được. Hiện nay tiêu chí đánh giá thực chứng đối với nhân tài thì chưa xác định được rõ ràng nên không minh bạch, cơ bản chỉ dựa vào bằng cấp nên chưa hoàn toàn chính xác.

Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện tốt chính sách về tiền lương và các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân tài, nhân lực chất lượng cao. Mức lương cần được xác định trên cơ sở tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm và cống hiến của từng cán bộ, công chức; phải trở thành công cụ, động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác; thúc đẩy nhân tài nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cần xây dựng hệ thống thang, bảng lương riêng cho đội ngũ nhân tài. Lao động chất lượng cao phải được trả lương tương xứng để thúc đẩy khả năng sáng tạo của họ

Ngoài ra, hoàn thiện các quy định của pháp luật và chính sách nhằm cải thiện môi trường và điều kiện làm việc tại cơ quan, đơn vị. Để giữ chân được những người tài năng và khuyến khích họ phát huy hết năng lực, sở trường, cần xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Xây dựng môi trường làm việc bảo đảm tính công bằng, chuyên nghiệp, tạo ra động lực để người tài cống hiến hết khả năng của mình. Hải Đăng

 

98 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 684
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 684
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77288257