|
“Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ” kỷ niệm vào ngày 2/4 hàng năm. (Ảnh: OSCEOLA) |
“Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ” cũng nhằm tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng đối với người tự kỷ. Đó là việc phát hiện sớm, đánh giá kịp thời và có kế hoạch can thiệp phù hợp đối với trẻ tự kỷ, mà trước hết là sự đồng hành của cha mẹ để giúp trẻ có cơ hội phát triển. Đó còn là những chương trình mang việc làm hay đưa người tự kỷ hòa nhập xã hội.
Trên thế giới, tỷ lệ người mắc chứng tự kỷ rất cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính trên toàn thế giới, cứ 160 người thì có 1 người tự kỷ. Tự kỷ là một rối loạn lan tỏa sự phát triển do bất thường của não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời. Tự kỷ không phân biệt giới tính, chủng tộc hay tình trạng kinh tế - xã hội.
Trẻ bị tự kỷ có những biểu hiện kém tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi. Do truyền thông chưa đến được với nhiều phụ huynh, các bậc cha mẹ chưa nhận thức rõ về các dấu hiệu báo động của tự kỷ, dẫn đến việc không phát hiện kịp thời để đưa trẻ đi thăm khám và lên kế hoạch can thiệp. Theo các chuyên gia y tế, nếu không được can thiệp sớm đúng phương pháp, vấn đề tự kỷ có thể làm cho trẻ chịu những hệ quả rất nặng nề như không nói được, không giao tiếp được, không tự phục vụ bản thân được suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng hướng, đúng cách, trẻ tự kỷ vẫn có thể phát triển và rút ngắn khoảng cách so với những trẻ cùng trang lứa khác. Trong can thiệp trẻ tự kỷ, phương pháp can thiệp dựa trên chơi là một trong những cách thức tốt nhất để tiếp cận và hòa mình vào “thế giới” của trẻ.
Vào tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình tham vọng 2030, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững với 169 chỉ tiêu, trong đó cam kết không để bất cứ ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Với tầm nhìn năm 2030, Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ năm nay (2/4/2021) sẽ là dịp để cùng xem xét các mục tiêu phát triển bền vững mới cũng như các tác động nhằm cải thiện những điều kiện sống của người mắc chứng tự kỷ.
Theo Liên hợp quốc, tình trạng đẩy những người tự kỷ ra ngoài lề xã hội là một sự vi phạm các quyền con người và là sự lãng phí tiềm năng của con người. Những người mắc chứng tự kỷ có nhiều kỹ năng rất đa dạng và sâu sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và họ đều có khả năng góp phần làm thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn.
Chính vì vậy, năm 2021, Liên hợp quốc đã chọn “Hòa nhập tại nơi làm việc: Thách thức và cơ hội trong một thế giới hậu đại dịch” làm chủ đề cho Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ. Nhân dịp này, Liên hợp quốc một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện chất lượng cuộc sống đầy đủ cho người tự kỷ.
Đại dịch COVID-19 đã phơi bày và làm gia tăng sự bất bình đẳng trên toàn thế giới, đặc biệt liên quan tới vấn đề thu nhập và phân phối của cải, sự tiếp cận các dịch vụ y tế, pháp luật bảo vệ cũng như hòa nhập chính trị. Những người mắc chứng tự kỷ từ lâu đã phải đối mặt với sự bất bình đẳng như vậy, và đặc biệt, đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm các vấn đề này. Cụ thể, các hoạt động tuyển dụng hay môi trường làm việc vốn đã tồn tại vấn nạn phân biệt đối xử và gây trở ngại lớn cho những người mắc chứng tự kỷ. Chính vấn nạn này đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng phần lớn những người mắc chứng tự kỷ trưởng thành không có việc làm.
|
Các em nhỏ mắc chứng tự kỷ thể hiện các tiết mục văn nghệ trong chương trình "Vui Tết Trung thu" ở Trung tâm Sao Mai, Hà Nội. (Ảnh: Kiều Giang)
|
17 mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015 đã đưa ra kế hoạch chi tiết nhằm ứng phó trước những thách thức lớn mà thế giới đang đối mặt, bao gồm các chiến lược nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng gia tăng và gây cản trở sự phát triển và thịnh vượng của con người. Trong đó, mục tiêu phát triển bền vững số 8 (SDG 8) quy định việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện và ổn định, tạo việc làm đầy đủ, phù hợp cho tất cả mọi người, bao gồm cả người khuyết tật.
Điều 27 của Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật cũng thừa nhận quyền của người khuyết tật được làm việc, trên cơ sở bình đẳng như những người khác, bao gồm quyền có cơ hội để kiếm sống bằng công việc do chính họ tự do lựa chọn hay chấp nhận trong thị trường lao động và trong môi trường làm việc cởi mở, hoà nhập và tiếp cận cho người khuyết tật. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết bảo đảm và thúc đẩy việc thực hiện trên thực tế quyền được làm việc, kể cả những người bị khuyết tật trong quá trình làm việc bằng cách áp dụng từng biện pháp phù hợp, thông qua pháp luật.
Một số các nhà tuyển dụng gần đây đã triển khai các chương trình việc làm phù hợp, tạo cơ hội cho những người được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn thần kinh, cụ thể là chứng tự kỷ được hòa nhập trong môi trường làm việc. Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, đã khiến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới mất việc làm, gây cản trở những nỗ lực của các nhà tuyển dụng trong việc triển khai các chương trình. Tuy nhiên, với việc triển khai các mô hình làm việc mới, bao gồm làm việc từ xa cũng như việc sử dụng các công nghệ mới để hỗ trợ việc làm đã tạo cơ hội cho những nhân viên mắc chứng tự kỷ vốn khó phát triển trong môi trường làm việc truyền thống có thể được hòa nhập cùng cộng đồng.
|
Trẻ tự kỷ rất cần sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội để có cơ hội phát triển và hòa nhập cùng cộng đồng. (Ảnh: Kiều Giang) |
Từ năm 2016, "Ngày Việt Nam nhận thức chứng tự kỷ" (2/4) đã được tổ chức nhằm tìm những giải pháp chăm sóc can thiệp và chính sách cho vấn đề tự kỷ của trẻ em. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ ở Việt Nam mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm, bởi không chỉ riêng trẻ em mà kể cả những người tự kỷ trưởng thành, cho đến nay vẫn chưa thể hòa nhập cộng đồng do những rào cản hay định kiến xã hội. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng, gia đình, xã hội cần phối hợp, cộng đồng trách nhiệm hiệu quả hơn nữa, để trẻ tự kỷ có cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn.
|