Để người lao động an tâm ở lại! 

(ĐCSVN) - Những ngày qua, hình ảnh dòng người từ TP Hồ Chí Minh đổ về các địa phương đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận cả nước.

 

Từ lâu, TP Hồ Chí Minh được biết đến là đầu tầu kinh tế, đóng góp chủ yếu cho ngân sách và quyết định mức tăng trưởng GDP hàng năm của đất nước. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam cũng là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển lớn. Đồng thời, nơi đây còn được coi là “bến đỗ” của hàng triệu người lao động đến từ rất nhiều tỉnh, thành.

Cùng với những ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đời sống của hàng triệu người lao động ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã bị gánh chịu những tác động nặng nề. Dịch bệnh xuất hiện, cùng với giãn cách xã hội đã khiến công việc không còn, họ cũng không có thu nhập để trang trải chi phí cuộc sống cho bản thân và gia đình. Số tiền dành dụm ít ỏi cũng vơi dần... Nhiều người sinh sống, làm việc tại các địa phương này đang tìm cách di chuyển về quê, chủ yếu là các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên...

Mỗi ngày có hàng trăm người dân đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê. (Ảnh: nld.com.vn)

Song, đằng sau câu chuyện người lao động trở về quê cũng đặt ra nhiều vấn đề về tổ chức, quản lý phương tiện trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của người dân khi từ các vùng dịch để trở về quê hương. Việc di chuyển về quê trên phương tiện cá nhân (chủ yếu là xe máy) đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông cũng như nguy cơ về công tác phòng, chống dịch đối với các địa phương có người lao động đi qua.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Đình Tuệ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm không đồng tình và tha thiết kêu gọi bà con không về bằng xe máy. Vẫn biết rằng bà con khó khăn, thiếu thốn nhưng khi tự phát về quê sẽ gây áp lực lên công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh. Bởi lẽ quãng đường di chuyển xa, không an toàn, chưa kể quá trình di chuyển bằng xe máy sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, nếu không thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1063/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép). Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác, thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy); thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan. Thủ tướng  cũng yêu cầu các địa phương đang giãn cách phải tổ chức hỗ trợ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ với tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

Người lao động nên bình tĩnh, cân nhắc trước khi quyết định trở về quê hương. (Ảnh: nld.com.vn)

Có thể thấy, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội chung của đất nước, tác động đến tất cả các địa phương và mọi người dân tùy theo mức độ lây lan của dịch bệnh ở từng khu vực. Trong khó khăn chung đó, người lao động tại các vùng dịch thuộc các tỉnh, thành phía Nam nên bình tĩnh, cân nhắc trước khi quyết định trở về quê hương. Bởi việc trở về quê vào thời điểm này không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn đối với bản thân người lao động mà còn có thể đưa đến những áp lực không đáng có đối với công tác phòng, chống dịch tại các địa phương là quê hương của người lao động. Đồng thời, việc hàng nghìn người lao động trở về quê cũng đang đặt ra nhiều áp lực về việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 với các địa phương nơi người dân trở về.

Cùng với đó, giữa những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hơn bao giờ hết tình nghĩa đồng bào, quê hương người Việt trên mọi miền đất nước càng phát huy. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam cần tiếp tục nỗ lực giải quyết dịch bệnh, chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

"Hành động thiết thực để hỗ trợ cho người dân đang tạm trú tại các địa phương mà bị kẹt lại, chưa về quê được, thì nên nhận được sự hỗ trợ về lương, tầm 80% mức thu nhập vùng để họ sống tạm thời. Thành phố cũng nên khuyến khích các chủ nhà trọ giảm tiền thuê 1 hoặc 2 tháng trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó cũng cần hỗ trợ về chi phí như tiền điện, tiền nước để cho người dân có thể trang trải qua mùa dịch này.”, anh Phạm Minh Hưng, Cán bộ Đoàn Thanh niên TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Những tỉnh, thành khác cần chủ động phối hợp, tăng cường các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ đối với công dân của địa phương mình hiện đang trụ lại ở các vùng dịch. Chính sự chung sức, đồng lòng đó sẽ tạo lên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu khống chế, kiểm soát đại dịch COVID-19 ./.

 
TL
718 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1147
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1147
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87139196