Ngày 18/8, tại TPHCM, Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Tổ chức Oxfam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định về Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Thực hiện cơ chế một cửa tại các địa phương còn thấp
Cải cách hành chính (CCHC) và thực hiện thủ tục CCHC theo Cơ chế một cửa, một cửa liên thông thời gian qua được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, việc giải quyết TTHC vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu thống nhất trong triển khai, làm giảm hiệu quả của Cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, chất lượng triển khai Cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở nhiều địa phương còn thấp, còn tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ, phiền nhiễu cho DN và người dân… Nguyên nhân của tình trạng này là do sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế; chất lượng, chế độ cho công chức tại bộ phận một cửa chưa được quan tâm đúng mức; việc đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin giữa các tỉnh, thành phố không đồng đều, các hệ thống còn chồng chéo, không kết nối, chia sẻ thông tin được với nhau...
Từ thực tế trên, ông Ngô Hải Phan cho biết, Dự thảo Nghị định về Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC phải lấy DN và người dân làm trung tâm phục vụ. Hiện nay, DN và người dân đều mong muốn TTHC được xử lý nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định sẽ làm rõ trách nhiệm giải trình của cán bộ công chức trong thực thi công vụ khi công khai minh bạch, đưa CNTT vào ứng dụng, gắn cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời trao quyền cho người dân đánh giá cán bộ công chức trong TTHC các cấp.
Dự thảo Nghị định mới có 7 chương với 44 điều. Trong đó, có nhiều điều mới, quy phạm hóa các phương thức giải quyết; nhấn mạnh việc lấy cá nhân, tổ chức làm trung tâm.
|
Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định về Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: VGP/Lê Anh |
Ứng dụng CNTT tạo sự minh bạch, công khai
Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Oxfam tại Việt Nam cho rằng Dự thảo Nghị định về Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC hiện nay đã đưa vào nhiều điểm mới và tiến bộ, như nguyên tắc công khai, minh bạch và giải trình, bảo đảm sự tham gia của người dân vào giám sát, đánh giá thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa; áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong vận hành văn phòng một cửa điện tử. Những điểm mới này là then chốt góp phần hiện thực hóa nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.
Theo các đại biểu, vai trò và tiếng nói của người dân cần được thể chế hóa vào Nghị định, đặc biệt trong các quy định về giám sát và đánh giá. Cụ thể, Nghị định cần quy định việc giám sát dịch vụ hành chính công thông qua ý kiến đánh giá độc lập, khách quan của các tổ chức, công dân theo các tiêu chí: Thời gian trả kết quả giải quyết, xử lý hồ sơ TTHC so với quy định hoặc yêu cầu của cơ quan, đơn vị chủ trì; số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải liên hệ để hoàn thiện hồ sơ TTHC; số lần phải liên hệ với cơ quan tiếp nhận để hoàn thiện hồ sơ TTHC.
Ngoài ra, phải bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin TTHC được công khai so với quy định; thái độ phục vụ của người tiếp nhận hồ sơ và mức độ dễ hiểu khi nghe hướng dẫn việc lập hồ sơ TTHC; các chi phí phát sinh ngoài quy định của pháp luật khi thực hiện các TTHC; thời gian và chất lượng ý kiến giải trình của cơ quan, cán bộ nhà nước đối với các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
Ông Nguyễn Thế Trung, thành viên tổ tư vấn Ủy ban ứng dụng CNTT Quốc gia, Tổng Giám đốc Công ty CP công nghệ DTT, cho rằng nguyên tắc triển khai thành công Cơ chế một cửa liên thông là lắng nghe người dân, tạo ra các trải nghiệm dịch vụ trên đa kênh, liên tục cải thiện dựa trên phản hồi của người dân và thiết lập tiêu chuẩn dịch vụ.
Cụ thể, mọi thứ người dân giao dịch phải “nổi lên”, một người dân một tài khoản, một hồ sơ trực tuyến, giúp giảm thời gian của người dân và DN. Phải có ứng dụng góp ý và phản hồi giúp minh bạch, kịp thời nhận phản hồi, góp phần thúc đẩy liên thông, chủ động giải quyết bức xúc của người dân, giúp giám sát tốt hơn.
Ông Tạ Quang Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai cho rằng, để triển khai thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC theo Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Dự thảo Nghị định cần phải quy định một lộ trình thực hiện hợp lý.
Đồng thời, cần có giải pháp đầu tư một hệ thống CNTT đồng bộ, thống nhất; trong đó, các phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu được với nhau để có thể theo dõi hồ sơ tại từng cấp hành chính, theo dõi được diễn biến, quy trình của hồ sơ trong các thủ tục liên thông nhiều cấp hành chính; bảo đảm vận hành thông suốt, kết nối liên thông từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm người dân có thể theo dõi được tình trạng hồ sơ của mình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh, điều quan trọng là các hệ thống một cửa phải có cơ chế tích hợp để bảo đảm người dân có một tài khoản duy nhất giao dịch với Chính phủ và các hồ sơ người dân đã nộp thì cần được sử dụng lại thay vì yêu cầu người dân phải nộp nhiều lần.
Do cơ chế đầu tư phân tán, nên cần vận dụng chính sách thuê ngoài để triển khai nhanh hệ thống ở trên với những nơi chưa có hệ thống một cửa điện tử, với những nơi đã có chỉ cần tích hợp.
Trước đó, ngày 16/8, Văn phòng Chính phủ cũng đã phối hợp cùng Tổ chức Oxfam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định về Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng.
Lê Anh