Cụ thể, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công An), Cục Hàng hải Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải, đơn vị Cảng vụ trên toàn quốc và các Chi cục đường thủy trực thuộc thông báo về 214 trường hợp bằng, chứng chỉ phương tiện thủy đã hết giá trị sử dụng do bị mất hoặc đã được cấp đổi, cấp lại.
Thông báo nêu rõ họ tên, ngày sinh, nơi cư trú, số bằng, đơn vị cấp 214 bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn đặc biệt điều khiển phương tiện ven biển, tốc độ cao; chứng chỉ làm việc trên phương tiện đi biển, tàu tốc độ cao, tàu chở xăng dầu...).
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị các đơn vị chỉ đạo lực lượng chức năng trực thuộc, trong quá trình tuần tra, kiểm soát khi phát hiện các trường hợp sử dụng bằng, chứng chỉ trên thì xử lý theo quy định pháp luật.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, lực lượng cảnh sát đường thủy phía Nam phát hiện hàng trăm trường hợp sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn đường thủy giả.
Bên cạnh việc làm giả hoàn toàn, còn có hình thức dùng bằng giả để làm hồ sơ học để lấy bằng, chứng chỉ thật cấp cao hơn. Tại Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải đường thủy II (Tp. Hồ Chí Minh), năm 2013-2014, phát hiện hơn 300 bằng giả các loại được gửi kèm trong hồ sơ xin thi học nâng cấp bằng.
Do đó, việc thông báo rộng rãi các trường hợp bằng, chứng chỉ chuyên môn không còn giá trị sử dụng góp phần ngăn chặn việc làm giả, gian lận trong việc sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn.
T. Minh