|
Ảnh minh họa |
Bộ Công an cho biết, hoạt động dẫn độ là một hoạt động khá đặc thù do vừa là hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vừa là hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Hoạt động dẫn độ phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, ngoại giao, vì vậy, mặc dù là hoạt động nhằm thực hiện sự cưỡng chế giữa một bên là Nhà nước và bên kia là người phạm tội bỏ trốn khỏi lãnh thổ quốc gia nhưng hoạt động dẫn độ không mang tính quyền lực một cách tuyệt đối.
Lý luận và thực tiễn hoạt động dẫn độ ở Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, không khả thi, có xung đột với quy định của Điều ước quốc tế (ĐƯQT) hoặc xung đột trong chính các quy định của văn bản pháp luật trong nước, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, hoặc có quy định nhưng không thể áp dụng được trên thực tế…
Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách toàn diện các yếu tố chính trị, ngoại giao, pháp luật và yêu cầu của thực tiễn, đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 về việc “sớm ban hành Luật dẫn độ tội phạm”, ngày 30/01/2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an lập đề nghị xây dựng Luật dẫn độ, trình Chính phủ trong năm 2019.
Phương pháp và phạm vi đánh giá tác động
Theo Bộ Công an, trong quá trình nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Luật dẫn độ, Ban nghiên cứu đã áp dụng Hướng dẫn đánh giá tác động của các chính sách xã hội có thể ảnh hưởng, tác động khi Luật được ban hành hoặc các chính sách của Đảng, Nhà nước cần được luật hoá vào dự thảo Luật dẫn độ để bảo đảm hoạt động này được thực hiện có hiệu quả trên thực tiễn.
Quy trình thực hiện đánh giá tác động của chính sách và thủ tục hành chính được tiến hành theo các bước sau: 1- Xác định các vấn đề ưu tiên dựa trên các tiêu chí rõ ràng; 2 - Xác định các mục tiêu của vấn đề; 3 - Lựa chọn các giải pháp để giải quyết từng vấn đề; 4 - Xác định các yếu tố lợi ích chính cho từng vấn đề; 5 - Xác định các dữ liệu phân tích; 6 - Tiến hành thu thập dữ liệu bằng hình thức thu thập báo cáo và làm việc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị có liên quan, phát phiếu điều tra khảo sát đến các chuyên gia, cán bộ thực tiễn; 7 - Đánh giá, phân tích dữ liệu thu thập được; 8 - Xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách.
Trong quá trình thực hiện, nhiều phương án cho một số chính sách của dự thảo Luật đã được đưa ra thảo luận, đánh giá, cân nhắc để xác định cụ thể các tác động tích cực và tác động tiêu cực của từng phương án. Kết quả, Ban soạn thảo đã xác định được các chính sách quan trọng cần được đánh giá tác động, cụ thể là:
Chính sách 1: Chính sách hình sự và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chính sách 2: Áp dụng pháp luật, áp dụng điều ước quốc tế và áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hoạt động dẫn độ.
Chính sách 3: Bảo đảm các quyền con người trong hoạt động dẫn độ.
Chính sách 4: Bảo đảm các điều kiện về con người và cơ sở vật chất gắn với tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động dẫn độ.
Chính sách 5: Thẩm quyền và trường hợp từ chối yêu cầu dẫn độ của nước ngoài.
Chính sách 6: Cơ quan lập yêu cầu dẫn độ và Toà chuyên trách giải quyết yêu cầu dẫn độ của Việt Nam.
Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.
KL