Đề nghị tăng tuổi phục vụ, thăng cấp bậc hàm với một số vị trí trong công an nhân dân 

(Chinhphu.vn) - Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Đề nghị tăng tuổi phục vụ, thăng cấp bậc hàm với một số vị trí trong công an nhân dân - Ảnh 1.

Đại tướng Tô Lâm: Sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật CAND và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP cho phù hợp - Ảnh: VGP/LS

Cần thiết sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND

Trình bày trước Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Luật Công an nhân dân (CAND) hiện nay đã quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an. Tuy nhiên, trên cơ sở quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và tính chất đặc thù của lực lượng CAND, cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật CAND và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP cho phù hợp.

Bên cạnh đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan CAND ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật CAND, trong một số trường hợp đặc biệt còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan CAND là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội… 

Tuy nhiên, Luật CAND năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp...

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật CAND năm 2018 nhưng chưa cụ thể nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập. Quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND còn một số vướng mắc. 

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật CAND liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định cụ thể một số vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.

Hiện nay, Luật CAND mới chỉ quy định cụ thể 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng (1 Đại tướng, 6 Thượng tướng, 35 Trung tướng, 157 Thiếu tướng) còn các vị trí khác chưa được quy định hoặc mới quy định trên cơ sở nguyên tắc nên thực tiễn thi hành Luật gặp khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, triển khai thi hành Luật CAND và các văn bản liên quan, tổ chức bộ máy các cấp công an đã được đổi mới căn bản, toàn diện, ở Bộ bỏ đơn vị cấp tổng cục, chỉ tổ chức đơn vị cấp cục và tương đương. Trong đó, hầu hết Thủ trưởng các đơn vị cấp Cục và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng nhưng vẫn còn Thủ trưởng của một số đơn vị tương đương cấp Cục chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh...

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật CAND, Trưởng phòng và tương đương ở đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Trưởng Công an quận thuộc Công an thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh được thăng cấp bậc hàm Đại tá, tuy nhiên, đối với Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh là các đơn vị vũ trang tập trung, quân số đông, tương đương cấp Phòng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nhưng mới được quy định có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá (điểm e khoản 1 Điều 25) là chưa phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị này. 

Theo đại tướng Tô Lâm, việc xây dựng dự án Luật này phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật CAND và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó tập trung vào quy định về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn, cấp bậc hàm của chức vụ, chức danh trong CAND; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục khó khăn, vướng mắc để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Đề nghị tăng tuổi phục vụ, thăng cấp bậc hàm với một số vị trí trong công an nhân dân - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới: Cần thiết sửa đổi Luật CAND khắc phục bất cập, hạn chế trong thi hành - Ảnh: VGP/LS

Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành nhiều quy định của dự thảo luật

Báo cáo thẩm tra dự án Luật CAND sửa đổi do Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày cũng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật này, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi luật trong thời gian qua.

Cụ thể, về số lượng vị trí bổ sung có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật, vì cho rằng không vượt quá số lượng vị trí cấp Tướng trong CAND do Bộ Chính trị quy định; phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí với quy định sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng là phù hợp với tinh thần Kết luận số 35-KL/TW, ngày 05/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương; phù hợp với thực tiễn Quốc hội khóa XIV và khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Thứ trưởng Bộ Công an biệt phái đảm nhiệm.  

Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với việc bổ sung 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng như trong Tờ trình và dự thảo Luật là để bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn tổ chức trong CAND, góp phần nâng cao sức chiến đấu của lực lượng CAND. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị việc bổ sung này cần được đánh giá đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tương quan về cấp bậc hàm cao nhất và phân cấp chỉ huy trên dưới trong CAND.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng nhất trí quy định cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với chức vụ Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, bởi thực tế đã thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập 3 quận và cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trung đoàn trưởng ở các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công an thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, Ủy ban  Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ Thượng tá lên 3 tuổi, nữ Đại tá lên 5 tuổi là mức tăng đáng kể, trong khi đa số cấp bậc hàm khác tăng 2 tuổi để phù hợp với môi trường công tác đặc thù của lực lượng CAND. 

Lê Sơn

272 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 710
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 710
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87045712