Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống 

Nghị quyết của Đảng là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Vì vậy, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng đến mỗi tổ chức đảng, đến từng cán bộ, đảng viên là tiền đề, là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đã đề ra.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập nghị quyết, Người đã khẳng định: “cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần Nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt. Nhưng cán bộ thấm nhuần chưa đủ. Phải làm cho tinh thần Nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy hết thắng lợi, khả năng và khó khăn của ta, thấy rõ khả năng của ta to lớn hơn khó khăn nhiều, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được”. Xuất phát từ tầm quan trọng đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành các quy định, hướng dẫn, chỉ thị, nghị quyết như: Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 09/3/2021 của Bộ Chính trị về nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch số 09-KH/BTGTW, ngày 18/3/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc; Hướng dẫn số 03-HD/BTGTW, ngày 18/3/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, yêu cầu đặt ra cần phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục theo phương châm “khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”.

Xác định tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đổi mới, đa dạng hóa các hình thức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết tại các tổ chức đảng, đặc biệt là ở các chi bộ cơ sở đã thành nền nếp, từng bước đi vào chiều sâu và ngày càng đạt hiệu quả cao. Thông qua các đợt học tập, quán triệt, sinh hoạt tư tưởng làm cho cán bộ, đảng viên được nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

 Sau mỗi đợt học tập, các cấp ủy trong toàn tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch. Hầu hết các địa phương, đơn vị đều thực hiện nghiêm túc viết bài thu hoạch, cấp ủy tiến hành kiểm tra đánh giá bài thu hoạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bài thu hoạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về cơ bản đều đạt yêu cầu, trả lời đầy đủ các câu hỏi mà Ban tổ chức hội nghị đưa ra. Đa số bài thu hoạch đều nhận thức đầy đủ, sâu sắc các nội dung cơ bản, những điểm mới trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; có sự liên hệ các nghị quyết, chỉ thị với chức năng, nhiệm vụ, vai trò trách nhiệm bản thân, địa phương, đơn vị trong thực tiễn công tác.

Bên cạnh đó, căn cứ vào nội dung của từng chỉ thị, nghị quyết, các cấp uỷ đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết. Các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện trước khi được ban hành chính thức đều được thông qua thảo luận, xin ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện theo hướng nhanh, gọn và hiệu quả; đôn đốc, kiểm tra các cấp ủy tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, qua thực tiễn đã chỉ rõ việc học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng vẫn còn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục như: Việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết ở cơ sở đôi lúc chưa kịp thời; năng lực của đội ngũ báo cáo viên, đặc biệt là ở cơ sở có lúc còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chỉ thị, nghị quyết của một số cấp ủy Đảng còn chậm, nội dung chưa sát với điều kiện thực tiễn; một số cấp ủy đảng chưa coi trọng công tác triển khai, học tập Nghị quyết. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tinh thần, thái độ học tập chưa nghiêm túc, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của việc nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng, để nghị quyết sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Nhất là đề cao trách nhiệm của đồng chí Bí thư cấp ủy, yêu cầu Bí thư cấp ủy phải là người chủ trì, chỉ đạo hội nghị quán triệt và trực tiếp triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là đối với những chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng, nghị quyết của Đảng bộ cấp mình. Cần có quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cấp ủy viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Thứ hai, cần đổi mới cách thức, phương pháp học tập, nghị quyết của Đảng. Chú trọng đổi mới hình thức tổ chức học tập bằng những hình thức phù hợp như: truyền hình trực tuyến, ở các chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề, cần thiết thì tổ chức hội thảo, tọa đàm, mời các chuyên gia tham dự. Cần lấy hiệu quả của việc quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng là tiêu chí đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt ở cấp cơ sở. Chú trọng công tác giáo dục cho cán bộ, đảng viên về ý thức học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, khắc phục các biểu hiện xem nhẹ, lười học tập nghị quyết của Đảng.

Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là ở cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Tăng cường đổi mới và phát huy hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức nghiên cứu, học tập và triển khai thực hiện nghị quyết bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra chất lượng người học bằng hình thức viết bài thu hoạch của mỗi cán bộ, đảng viên sau học tập. Có biện pháp biểu dương kịp thời những tổ chức đảng và đảng viên thực hiện tốt, góp ý, phê bình những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc khi học nghị quyết. Xuân Ngọc

212 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 818
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 820
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87034100