Đề nghị mở rộng chi trả chế độ người có công qua bưu điện 

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm mở rộng chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua bưu điện tại 6 tỉnh, thành trên cả nước, ngành bưu điện cho biết, có hơn 90% người nhận hài lòng và đề nghị tiếp tục nhận trợ cấp ưu đãi qua hệ thống bưu điện.

 

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu kỹ mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua bưu điện, tiến tới mở rộng địa bàn chi trả. Ảnh: VGP/Đàm Minh

Hiện nay, hàng tháng, ngành bưu điện thực hiện chi trả hơn 170 tỉ đồng cho khoảng 115 nghìn đối tượng tại 6 địa phương gồm: Quảng Nam, Đắk Nông, Bắc Kạn, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Trước đó, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng được thực hiện theo mô hình 3 bên thông qua việc ký hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa Phòng LĐTBXH cấp huyện, UBND xã và cán bộ chi trả tại địa phương. Tuy nhiên, nhằm đổi mới công tác chi trả này với phương thức hiện đại hơn, từ tháng 8/2015 tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên đã áp dụng chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng thông qua bưu điện. Đến tháng 6/2017, việc thí điểm chi trả theo hình thức mới đã được triển khai tại 6 tỉnh trên.

Tại Hội nghị Sơ kết thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng qua hệ thống bưu điện tổ chức ngày 7/6, đại diện lãnh đạo 6 Sở LĐTBXH tại các địa phương trên đều cho biết, tính từ thời điểm bắt đầu triển khai đến nay, chưa ghi nhận tình trạng mất an toàn về tiền mặt tại tất cả các địa phương thí điểm.

Cũng qua khảo sát của ngành LĐTBXH, đánh giá mức độ hài lòng về việc chi trả qua hệ thống bưu điện tại 5 địa phương (TPHCM chưa thực hiện khảo sát do mới triển khai) cho thấy, hơn 90% đối tượng thụ hưởng đều bày tỏ hài lòng về việc nhận chế độ chính sách theo phương thức mới qua hệ thống bưu điện.

Ông Lê Sáu, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam cho biết, mô hình chi trả này là một bước đi mới, tách biệt việc chi trả chế độ với công tác quản lý đối tượng. Qua đó không chỉ góp phần giảm tải các phần việc cho cán bộ chi trả xã, phường mà còn tạo điều kiện để những cán bộ này dành nhiều thời gian hơn để tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời việc nghiên cứu, hướng dẫn chế độ chính sách. Đặc biệt, việc chi trả qua hệ thống bưu điện cũng góp phần minh bạch, tránh được những tiêu tiêu cực có thể xảy ra.

Cũng theo báo cáo tại hội nghị, nếu tính bình quân thời gian chi trả là 5 phút/1 đối tượng, thời gian nhận tiền, chuẩn bị tiền và thực hiện các chứng từ thanh quyết toán là 16h/1 xã, phường (2 ngày làm việc), thì với việc thực hiện chi trả qua bưu điện, hàng tháng tại 6 địa phương đang triển khai thí điểm sẽ tiết kiệm được hơn 2500 ngày công (tương đương 120 lao động) phục vụ cho công tác chi trả tại xã, phường. Nếu tính trên cả nước, hàng năm sẽ tiết kiệm được hàng trăm nghìn ngày công, với hàng nghìn lao động phục vụ cho công tác chi trả tại các xã, phường.

 

Nhiều người thụ hưởng  hài lòng với việc chi trả theo phương thức mới. Ảnh: VGP/Đàm Minh

Từ thành công bước đầu như trên, đa số các ý kiến tại hội nghị đều đề xuất với Bộ LĐTBXH tiếp tục mở rộng việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với các mạng, đồng thời tích hợp việc chi trả các chế độ vào cùng một lần để các đối tượng được hưởng cùng lúc các chế độ trợ cấp hàng tháng.

Đánh giá cao kết quả triển khai thí điểm trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng khẳng định, việc chi trả trợ cấp NCC qua Bưu điện là việc cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch. Theo đó, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu, đánh giá kỹ mô hình chi trả này để tiến tới mở rộng địa bàn triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, đảm bảo an toàn, minh bạch và tách bạch công tác quản lý.

Ứng dụng CNTT trong chi trả chế độ NCC

Hiện nay, việc chi trả NCC tại các địa phương đang được thực hiện toàn bộ trên phần mềm quản lý và chi trả các chế độ trợ cấp ưu đãi NCC. Thông qua đó, các đơn vị quản lý có thể nắm bắt kịp thời số người hưởng đã lĩnh tiền, thời gian lĩnh, số người chưa lĩnh, số tiền phải nộp về cuối ngày... Đặc biệt, hệ thống phần mềm còn hỗ trợ nhận dạng người nhận tiền qua ảnh chụp được lưu trên hệ thống. Khi đó, người thụ hưởng đến các điểm chi trả để lĩnh tiền không cần mang giấy tờ tùy thân.

Đặc biệt đối với những đối tượng hưởng cả hai chế độ lương hưu và trợ cấp ưu đãi NCC, bưu điện đã thực hiện thí điểm liên kết phần mềm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC và phần mềm chi trả lương hưu để hỗ trợ những đối tượng hưởng nhận cả 2 chế độ. Phần mềm hiển thị số tiền của mỗi loại chế độ, tổng số tiền được lĩnh và các thông tin liên quan.

Theo đại diện của Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Nông, nếu không ứng dụng công nghệ thông tin vào việc chi trả chế độ, việc kiểm tra giấy tờ, thông tin sẽ khiến người hưởng phải chờ lâu hơn, tiến độ chi trả cũng sẽ chậm hơn. Phần mềm chi trả hiện nay sẽ hỗ trợ tìm kiếm người hưởng bằng mã vạch, nhận dạng người hưởng và người ủy quyền qua ảnh, lưu trữ thông tin và lịch sử nhận tiền của người hưởng. Do đó, cơ quan quản lý có thể xem kết quả, thống kê số liệu chi trả trên hệ thống để có các giải pháp quản lý kịp thời.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, tại một số địa phương, ngành bưu điện đang thực hiện chi trả đồng thời các chính sách an sinh xã hội như: Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội thông qua giải pháp chi trả qua thẻ lĩnh tiền điện tử (Emoney).

Hệ thống thanh toán này dự kiến sẽ được tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội mà Bộ LĐTBXH đang xây dựng theo Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

Hiền Minh

817 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1458
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1458
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84186394