Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: KT)
Đây là một trong những đề nghị của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khi cho ý kiến về phương án dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018.
Chiều 23/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.
Tiếp đó, Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện NSNN năm 2017; dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.
Năm thứ 3 liên tiếp, NSTW có khả năng hụt thu
Trong báo cáo thẩm tra, đánh giá tình hình thu NSNN, Ủy ban TCNS nhận thấy, Chính phủ ước thực hiện thu NSNN năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ, kết quả hành động với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tài chính và cả hệ thống chính trị trong cả nước. Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu NSTW ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, NSTW có khả năng hụt thu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của NSTW, vai trò chủ đạo của NSTW khó được đảm bảo.
Xét cơ cấu thu NSNN, Ủy ban TCNS cũng thẳng thắn nêu một số vấn đề nổi lên. Đó là ước thu nội địa cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán, cho thấy khả năng cạnh tranh, phát triển và chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực này còn hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, số thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước, tiền bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm đạt thấp hơn nhiều so với dự toán; đặc biệt là thu bán vốn Nhà nước mới chỉ đạt 16,7% nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt dự toán là rất khó khăn. Điều này thể hiện việc phối hợp triển khai kế hoạch thoái vốn Nhà nước giữa các bộ, ngành hiệu quả chưa cao, cần được phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo cơ quan thẩm tra, số thu nội địa giảm một mặt đã phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, chưa bền vững và thiếu tính ổn định; mặt khác, do số thu giao cho một số địa phương cao hơn so với thực tế, như thu từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại tỉnh Quảng Nam, tỉnh Vĩnh Phúc… Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng vẫn còn lớn (khoảng 73,9 nghìn tỷ đồng đến hết 30/9/2017).
Về thu từ dầu thô, Ủy ban TCNS cho rằng, trên cơ sở báo cáo của IMF, giá dầu thô bình quân các Hợp đồng giao vào cuối năm 2017 có thể tăng cao hơn 9 tháng đầu năm thì việc Chính phủ ước giá bình quân năm 2017 ở mức 53USD/thùng là tương đối thấp. Vì vậy, đề nghị cần theo dõi sát thực tế hơn.
Về thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu, cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ ước bình quân 3 tháng cuối năm tăng thấp hơn so với ước thực hiện bình quân 9 tháng đầu năm là chưa thật hợp lý. Do đó cơ quan này đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn.
Về tình hình thực hiện chi NSNN, Ủy ban TCNS đề nghị lưu ý công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt, nhất là vốn đầu tư xây dựng cơ bản, còn nhiều tồn tại trong công tác chuẩn bị đầu tư. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ giải ngân rất chậm…
Về cân đối và bội chi NSNN, Ủy ban TCNS đánh giá cao kết quả điều hành NSNN của Chính phủ theo hướng siết chặt bội chi NSNN, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn vay và giảm dần lãi suất bình quân đi vay, vì đây là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN năm 2015, mức bội chi không cao hơn so với dự toán và cũng là mức bội chi thấp nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép. Tuy nhiên, mức bội chi giảm so với thực tế là do giảm phần bội chi của ngân sách địa phương, bội chi NSTW vẫn tăng so với dự toán. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn ODA được Chính phủ tạm xác định bằng dự toán là khá rủi ro, vì theo nhiều năm, số vốn giải ngân ODA thường có phát sinh lớn hơn so với dự toán. Nếu vốn ODA giải ngân vượt so với dự toán, điều này ảnh hưởng đến bội chi NSNN.
Theo đó, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tổng mức vay của NSNN năm 2017, đồng thời tiến hành rà soát tình hình giải ngân vốn ODA trong những năm gần đây để báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh kịp thời tại kỳ họp này, bảo đảm giữ mức bội chi trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định”.
Không nợ chính sách chi cho con người
Cơ quan thẩm tra cho rằng, dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017 tuy khá thấp, nhưng phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến và các yếu tố không thuận tác động đến nền kinh tế, hạn chế mức độ rủi ro khi dự toán thu không đạt dự toán.
Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cho rằng dự kiến tỷ lệ động viên từ thuế, phí là 19,9%GDP, giảm so với năm 2017, đồng thời thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 07/NQ-TƯ (khoảng 20-21%GDP) về cơ cấu lại NSNN và yêu cầu của Nghị quyết 25/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm là vấn đề cần được tính toán, dự báo sát hơn.
Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải lưu ý, đối với 3 khoản thu từ khu vực DNNN, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và khu vực ngoài quốc doanh đều có mức tăng khá cao so với ước thực hiện năm 2017, nhưng cũng còn rủi ro trong cân đối do 3 khoản thu này năm 2017 đều không đạt dự toán.
Đối với khoản thu từ bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về tính khả thi của việc dự toán khoản thu này, vì năm 2017 mức độ hoàn thành không cao.
Về dự toán chi NSNN năm 2018, Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với Chính phủ về phương án dự toán chi NSNN. Đồng thời cũng nhận thấy, cơ cấu chi NSNN năm 2018 đã có xu hướng thay đổi tích cực: tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng là hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp và Luật NSNN: các khoản chi NSNN phải được dự toán.
Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh: Trong bối cảnh cân đối NSTW còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh chi NSNN cho đoàn ra, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền. Không ban hành chính sách mới khi không có nguồn lực bảo đảm. Không nợ chính sách chi cho con người.
Đối với chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7%. Để sớm triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn thấp, thu NSNN gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở phải gắn liền với tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công việc; tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần sự phụ thuộc vào NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Một số ý kiến đề nghị, căn cứ lộ trình tăng mức lương cơ sở khoảng 7% hằng năm từ nay đến năm 2020, có thể cho phép một số địa phương có điều tiết thu về NSTW trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư từ nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung vốn đầu tư phát triển, vì qua giám sát cho thấy, nguồn cải cách tiền lương của một số địa phương còn dư khá lớn, sau khi đã bố trí đủ thực hiện tăng lương theo quy định và một số chính sách, chế độ chi do Trung ương ban hành nhưng không được sử dụng, gây lãng phí.
Về chi đầu tư phát triển, Ủy ban TCNS đề nghị vốn đầu tư phải được bố trí theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, Kế hoạch đầu tư công trung hạn và các Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ theo Nghị quyết 1023/UBTVQH của UBTVQH; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu của NSTW không quá 30% tổng vốn đầu tư phát triển của NSTW trong năm theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Đặc biệt, chỉ bố trí dự toán cho các công trình, dự án có tiến độ giải ngân tốt. Tính đến hết tháng 30/9/2017, dự án giải ngân được ít nhất 35% số vốn được giao đầu năm 2017 thì mới bố trí vào dự toán năm 2018, hạn chế việc giải ngân chậm.
Về việc Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2018 khoảng 3,7%GDP, tăng 0,2%GDP so với năm 2017, Ủy ban TCNS cho rằng, việc nâng mức bội chi NSNN năm 2018 cao hơn năm 2017 cần có căn cứ lý giải thuyết phục hơn. Theo đó, cần làm rõ việc bội chi NSTW và bội chi ngân sách địa phương đều tăng so với dự toán năm 2017 có khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn không. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc giảm mức bội chi xuống 3,5%GDP, bằng mức bội chi năm 2017, theo đó đề nghị Chính phủ rà soát, cắt giảm những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư chưa thật sự cần thiết, các khoản bố trí không đúng quy định, tích cực thu hồi nợ thuế…/.
Kim Thanh