|
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển tranh luận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Bên cạnh báo cáo của các cơ quan tư pháp, dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là một nội dung mới nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 24/10. Nhiều đại biểu ủng hộ, song không ít người lưu ý cần nghiên cứu thận trọng vì việc này liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Sau khi nghe nhiều đại biểu phân tích ưu điểm của phiên tòa trực tuyến, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc UBTVQH) xin tranh luận. “Các đại biểu đều nói xét xử trực tuyến có rất nhiều ưu điểm. Tôi không nghĩ như vậy”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, một trong những nguyên tắc tố tụng cơ bản là nguyên tắc tranh tụng. Tranh tụng không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng.
“Nếu so sánh giữa xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến thì rõ ràng xét xử trực tuyến có nhiều bất lợi hơn so với xét xử trực tiếp. Hai khía cạnh bất lợi thể hiện ở việc bảo đảm quyền đầy đủ của các bên tham gia tố tụng và bảo đảm sự tiếp cận, nhận định toàn diện, đầy đủ các tình tiết của thẩm phán, hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử”, ông Hiển phân tích.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp kiến nghị nghị quyết của Quốc hội cần nêu rõ nguyên tắc chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp được. Đồng thời, quy định rõ điều kiện phải có sự đồng ý của các bên tham gia vào tổ chức phiên toà ngay trong nghị quyết chứ không phải quy định tại thông tư hướng dẫn thi hành.
Giải trình về đề nghị của đại biểu Quốc hội về thực hiện thí điểm xét xử trực tuyến trong 3 năm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định đây là vấn đề lớn.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, phiên toà trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn cho cả lâu dài. Do đó, nếu nghị quyết ấn định thực hiện trong 3 năm thì sau thời gian này phải có nghị quyết khác nếu muốn duy trì phương thức trực tuyến.
Chánh án TAND Tối cao cho hay trong báo cáo công tác hằng năm sẽ có nội dung thực hiện phiên toà trực tuyến, đánh giá mặt được hay chưa được để có đề nghị phù hợp.
Về việc lựa chọn các vụ án để xét xử trực tuyến, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết thế giới tiếp cận ở góc độ nghĩa vụ chứng minh đơn giản, ví dụ vụ giết người phức tạp nhưng chứng cứ rõ ràng thì vẫn xét xử trực tuyến.
Hiện dự thảo cũng quy định TAND tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.