Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần 

(ĐCSVN) – Liên quan đến vụ việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi phạm tội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân đến nay chưa có giải pháp khắc phục triệt để, thậm chí có dấu hiệu trầm trọng hơn?

 

 


Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại phiên chất vấn sáng 1/11. (Ảnh: Bích Liên)

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tại phiên chất vấn, các "Tư lệnh" ngành đã lần lượt trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các vấn đề: Giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng; xử lý tình trạng làm giả bệnh án tâm thần để trốn tội; xử lý sim rác; giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí sách giáo khoa; giải quyết vấn đề vệ sinh trường học; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng các công trình ứng phó biến đổi khí hậu…

Xử lý những cá nhân, cán bộ làm giả bệnh án tâm thần

Trả lời đại biểu Phan Thị Mỹ Dung về tình trạng "chạy án" bằng bệnh án tâm thần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thời gian qua, báo chí cũng thông tin, công an đã làm rõ 2 nhân viên của Bệnh viện Tâm thần móc nối với một đối tượng để làm hồ sơ bệnh tâm thần. Hiện công an đang điều tra, chưa có kết luận.

Về thực trạng này, Bộ Y tế đã triệu tập các bệnh viện tâm thần, pháp y tâm thần chấn chỉnh. Các quy trình làm bệnh án, giám định tâm thần rất chặt chẽ. Viện giám định Tâm thần Trung ương mới có chức năng giám định bệnh tâm thần thì lúc đó công an mới xác định bệnh nhân tâm thần.

Về giải pháp ngăn chặn, Bộ trưởng Bô Y tế cho rằng, việc khám bệnh tâm thần thực hiện theo 2 tuyến. Tuyến 1 là các bệnh viện giám định bệnh lý tâm thần cho người dân nói chung. Tuyến 2 là công tác giám định pháp y, có sự tham gia của ngành công an để giám định bệnh tâm thần cho các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật cần giám định tâm thần.

Thực hiện Luật đổi mới và cải cách tư pháp, Bộ Y tế thành lập các Trung tâm giám định pháp y tâm thần vùng. Trung tâm này giám định là tâm thần thì công an mới xác định đó là tâm thần thực sự. Còn các đối tượng nào vào những bệnh viện bình thường để làm bệnh án, giám định thì cũng chỉ là dân sự, các bệnh viện đó có mục đích riêng. Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý những cá nhân, cán bộ bệnh viện phối hợp với các đối tượng làm giả bệnh án tâm thần.

Đã xử lý một số đối tượng xúc phạm lãnh đạo trên mạng xã hội

Trả lời đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc xúc phạm nhân phẩm cá nhân trên mạng xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Vấn đề này, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xử lý một số đối tượng nhưng chưa ngăn chặn được.

Trước hết là tính nặc danh trên mạng, vi phạm không chỉ ở trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế. Hệ thống pháp luật về xử lý những thông tin này chưa hoàn thiện, ví dụ như vấn đề giám định, những thông tin vu khống cũng cần có chứng cứ …

“Về giải pháp, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hành vi pháp lý trong đấu tranh xử lý với các hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, xúc phạm danh dự của người khác, làm nhục người khác trên không gian mạng”, Bộ trưởng cho biết.

Vấn đề này, Luật An ninh mạng đã được thông qua, có hiệu lực từ năm 2019, Bộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Về việc thực hiện quản lý nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng cho hay, Bộ phối hợp với Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin mạng ngăn chặn xử lý 3.000 trang có nội dung xấu. Tiếp tục thanh tra xử lý vi phạm pháp luật trong đăng tải. Yêu cầu các trang mạng chấp hành pháp luật Việt Nam xử lý những thông tin độc hại. Đồng thời, thu thập thông tin các đối tượng có các hoạt động tuyền truyền chống phá nhà nước, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống người khác trên mạng xã hội để có phương thức đấu tranh.

Không đưa sim giá rẻ ra thị trường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) về xử lý sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Đây là từ thường dùng chỉ những sim không xác định được nhân thân người dùng và cũng chưa được định nghĩa trong các văn bản pháp luật.

"Khi chưa có cơ sở dữ liệu căn cước, Bộ TT&TT đã triển khai một số giải pháp như thu hồi sim rác. Cuối năm 2016, các nhà mạng đã thu hồi sim rác sẵn trên kênh phân phối, năm 2017 thu hồi được 24 triệu sim rác, trong đó gần 50% thuộc nhà mạng Viettel. Bên cạnh đó, việc  đăng ký lại thông tin thuê bao bắt đầu từ tháng 7/2017. Những thuê bao không đủ thông tin, không đăng ký lại kiên quyết cắt dịch vụ".

Sắp tới để ngăn chặn sim rác, Bộ trưởng TT&TT cho biết, bộ sẽ kiên quyết yêu cầu đăng ký đầy đủ thông tin, có chụp ảnh. Các nhà mạng cũng sẽ không đưa ra thị trường những sim giá rẻ để người dùng sim thay thẻ điện thoại. Bên cạnh đó sẽ áp dụng công nghệ xác thực định danh để xác thực chủ sim với ảnh, Bộ đã giao Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng công nghệ này.

Thiết kế sách giáo khoa (SGK) theo hướng hạn chế viết, vẽ vào được

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận) về vấn đề lãng phí sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng lãng phí  sách SGK là có thật.

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân, trước hết do thiết kế SGK hiện hành có nhiều bài tập khiến học sinh viết, vẽ trực tiếp vào SGK dẫn đến không sử dụng được nhiều lần, gây lãng phí. Dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, việc này chưa phù hợp và gây lãng phí.

Với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế lãng phí. Một số SGK đã có hướng dẫn thầy cô không cho học sinh viết vào sách mà ghi vào vở. Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh sử dụng SGK để bền lâu. Tuy nhiên, kết quả của những giải pháp này còn hạn chế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Trước phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri và dư luận, Bộ đã tiếp thu, ban hành chỉ thị 3798 chỉ đạo các cơ sở giáo dục để sử dụng tiết kiệm SGK hợp lý và hướng dẫn học sinh biết giữ gìn SGK. Tới đây, khi biên soạn SGK mới, Bộ yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế theo hướng hạn chế việc viết, vẽ trực tiếp vào sách.

“Bộ đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn SGK, đặc biệt giải pháp quyên góp, xây dựng thư viện SGK để học sinh được sử dụng miễn phí, hỗ trợ vùng khó khăn. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước”, Bộ trưởng cho biết./.

Bích Liên

335 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1000
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1000
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87217851