Để ngành lúa gạo tiếp tục đạt mục tiêu xuất khẩu 

(ĐCSVN) - Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới chịu nhiều biến động. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 8,34 triệu tấn về lượng và hơn 4,8 tỷ USD về trị giá, tăng tương ứng 17,7% về lượng và 39,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số ấn tượng, đánh dấu cột mốc mới trong xuất khẩu gạo ở Việt Nam.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 có thể đạt gần 518 triệu tấn; trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

 Lúa gạo Việt Nam ngày càng nhận được đánh giá cao từ khu vực và thế giới về chất lượng (Ảnh: PV)

Trên cơ sở tổng hợp các số liệu thống kê, Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2024 Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, Tổng cục Thống kê đề xuất, cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường xuất khẩu với hai Bộ có liên quan: Về sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện các giải pháp để phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", với những mục tiêu chủ yếu là: Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu héc ta; 100% diện tích của vùng có liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất, tiêu thụ; giảm trên 10% lượng phát thải nhà kính so với canh tác truyền thống; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa, gạo tăng 40%...

Cơ cấu lại sản xuất lương thực theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền; gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đáp ứng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai hiện đại, đồng bộ; bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho đất chuyên trồng lúa. Tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), gắn với cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong sản xuất, chế biến lúa, gạo nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng, địa phương hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Về thị trường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo đó, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ; đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhất là các kho dự trữ, bảo quản, kho lạnh, kho chứa lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các kho dự trữ lúa gạo quốc gia.

Phát triển và hỗ trợ thương mại lương thực, thực phẩm. Phát triển hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống đồng bộ trên cơ sở tận dụng những ưu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực Châu Phi... và phát triển các thị trường mới, tiềm năng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành XTTM gạo vào các thị trường nhập khẩu. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam thông qua chương trình cấp quốc gia về XTTM, chương trình thương hiệu quốc gia và các chương trình, đề án liên quan của các bộ, ngành, địa phương. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức lương thực quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh lương thực, như biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh, khoa học công nghệ, thương mại xuất nhập khẩu...; đàm phán hài hòa hóa và công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm.

 
HA.NV
298 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 809
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 809
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88719256