Để nêu gương trở thành phương thức lãnh đạo hiệu quả của Đảng 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã từng căn dăn: “Muốn người ta theo, mình phải làm gương trước”. Người khẳng định rằng: Đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Đó chính là những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi khi nhắc đến vai trò tiên phong của đảng viên. Đặc biệt, đảng viên nắm giữ những chức vụ lãnh đạo, quản lý quan trọng thì càng cần phải nêu gương sáng về tinh thần tiên phong trong công tác, giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người cộng sản, tận tâm phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đó, chính vì vậy, từ khi ra đời cho đến nay, Ðảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên như Quy định số 47-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QÐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII ban hành Quy định số 08-QÐi/TW về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng".

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa xác định rõ phương thức lãnh đạo của Đảng ta bằng nêu gương và đặt ra yêu cầu rất cao về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu các cấp, chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, Mặt trận, báo chí trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Điều đó cho thấy Trung ương đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc nêu gương của cán bộ, đảng viên nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong điều kiện hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vì vậy, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 91 năm qua, Đảng ta đã xây dựng, giáo dục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy được phẩm chất, đạo đức cách mạng. Đa số cán bộ, đảng viên luôn trau dồi và giữ được phẩm chất, đạo đức cách mạng, yêu nước, yêu dân, tiên phong, gương mẫu, có lối sống trong sạch, lành mạnh. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên vững vàng trước những biến động trong nước và thế giới, kiên định mục tiêu và con đường đi lên CNXH do Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong hai cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu, hy sinh, cống hiến hết mình vì Đảng, vì dân như đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch...

Đặc biệt, trong hơn 30 năm đổi mới, nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành đã nêu cao tấm gương về bản lĩnh chính trị, có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm. Nhiều cán bộ, đảng viên hoạt động trong các môi trường phức tạp, điều kiện khó khăn đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm nhiều cách làm mới, đạt hiệu quả cao, được quần chúng tin yêu, ca ngợi, góp phần quan trọng trong việc tăng cường và củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo Đảng. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên có ý thức tổ chức kỷ luật cao, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhất là trong đợt “sóng” lần thứ tư, từ ngày 27/4 đến nay, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, từ đó hình ảnh những anh “Bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại ngày đêm, gian khổ làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới; tổ chức cách ly; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh. Không dừng lại ở đó, nhiều bác sỹ, y tác trẻ xung phong vào nơi tâm dịch với mong muốn san sẻ bớt nỗi khó khăn, mệt nhọc của đồng nghiệp và chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tất cả khi vào cuộc đều đặt tính mạng của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng là mục tiêu cao nhất càng thể hiện được sự tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, thắt chặt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Bên cạnh đó, với truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của con người Việt Nam đã xuất hiện các “gian hàng 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình” chuyến xe o đồng, ATM gạo, ATM oxy… đã được lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Đặc biệt, thời gian qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện những hình ảnh đẹp, những câu chuyện “cổ tích” giữa đời thường của lực lượng chức năng, cũng như người dân tiếp sức, hỗ trợ cho bà con di chuyển bằng xe máy từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn, cao cả của con người Việt Nam, càng khẳng định thêm giá trị của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành những tấm gương mẫu mực cho mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta học tập, noi theo.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, dưới tác động của mặt trái của cơ chế thị trường, chủ nghĩa thực dụng và trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”. Điều này đã được nhận định trong nhiều nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã nhận diện: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, làm phai nhạt niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhìn lại những vụ kỷ luật Đảng đối với một số cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý, hay gần đây, hàng loạt cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thậm chí là vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể thấy rằng, tổ chức đảng các cấp đã rất nghiêm túc trong việc thực hiện nguyên tắc nêu gương. Ai làm tốt thì tuyên dương, ai làm chưa tốt, còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc, để lại tiếng xấu cho Đảng, ảnh hưởng đến phong trào chung thì dứt khoát phải nhận kỷ luật Đảng.

Bởi vì, việc nêu gương, nếu làm tốt từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp cán bộ lãnh đạo sẽ có sức lan tỏa rất lớn trong Nhân dân, huy động được ngày càng nhiều tinh thần tự giác tham gia của mọi người trong việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào cách mạng nhờ đó mà cũng dễ thành công. Bởi, cán bộ của Đảng nêu gương tốt thì Nhân dân sẽ thêm yêu, thêm tin mà làm theo, xã hội ngày càng có nhiều tấm gương người tốt, việc tốt.

Do đó, trong thời gian tới, để nêu gương trở thành nếp nghĩ, nếp làm hằng ngày, ngoài quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm thì bản thân mỗi cán bộ đảng viên phải biết tự rèn luyện, trau dồi đạo đức phẩm chất của người cộng sản, chống chủ nghĩa cá nhân, không cậy quyền ỷ thế, tham lam, tham nhũng; biết giữ mình trong sạch để không bị sa ngã vì bả vinh hoa phú quý. Đảng viên nêu gương là phải tự giác. Tự giác học tập. Tự giác thực hành. Rèn tính tự giác thông qua quá trình phấn đấu hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất, vô tư nhất. Phải xác định việc tự giác nêu gương sáng của mình là để gia đình, người thân và quần chúng noi theo.

Thực tế cho thấy, thành công của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng mấy nhiệm kỳ gần đây đã khẳng định Đảng lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng viên là một phương thức lãnh đạo quan trọng và đúng đắn. Thực tế ấy đã bổ sung vào kho tàng lý luận và thực tiễn về công tác lãnh đạo của Đảng ta. Muốn xây dựng Đảng vững mạnh xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân thì phải đẩy mạng xây dựng Đảng về đạo đức, mà muốn Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” thì trước hết, đội ngũ cán bộ đảng viên phải là những người gương mẫu về đạo đức, lối sống. Có như thế thì dân mới tin Đảng, ý Đảng mới hợp lòng dân. Tin tưởng rằng với truyền thống 91 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta vững bước đi lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến 2045 nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao như mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra./. Tân Linh

1618 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 610
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 610
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76867902