Ngày khai trường luôn là những kỷ niệm đẹp với mỗi học sinh. (Ảnh minh họa: vov.vn)
Chúng ta tự hào về những thành tích ngành giáo dục đạt được qua các con số về trẻ em trong độ tuổi được đến trường, số lượng sinh viên đại học, số giải thưởng quốc tế mà học sinh mang về sau mỗi kỳ thi…Tuy nhiên, đi kèm với đó là những lo ngại về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tiêu cực trong thi cử, bạo lực học đường… không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Không ít người cho rằng tư duy giáo dục của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại, chưa đúng chuẩn quốc tế. Đó là giáo dục vẫn chú trọng “ bồi bổ” thật nhiều kiến thức, quá coi trọng bằng cấp, thiếu tương tác với xã hội. Từ đó, dẫn đến hậu quả là chương trình còn nặng nề dù đã giảm tải nhiều lần; dạy thêm, học thêm chưa giảm như kỳ vọng; trẻ em mất đi tuổi thơ tươi đẹp của mình; người học đối phó, gian dối; người tốt nghiệp đại học ra trường khó kiếm được việc làm; kỹ năng sống bất cập, khó thích nghi …
Do đó, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay là một vấn đề có tính cấp bách. Trong đó, tư duy, mục đích giáo dục phải thay đổi vì với sự phát triển như vũ bão của kiến thức, thì kiến thức bị “già hóa”, lỗi thời nhanh chóng nếu cứ “bồi bổ” kiến thức kiểu “tĩnh” của giáo dục khoa cử xưa cũ.
Giáo dục để học sinh phổ thông có kiến thức, kỹ năng cơ bản, tự học có hiệu quả; có nhân cách cũng như kỹ năng sống. Đối với giáo dục đại học phải tạo ra thói quen học tập suốt đời cho sinh viên, để sinh viên luôn phát huy tính chủ động, nuôi dưỡng nội lực, tạo sự năng động và rèn luyện tư duy toàn diện cho sinh viên.
Tóm lại là phải thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang chú trọng phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực và hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống cho người học.
Ngoài những vấn đề trên là những vấn đề cụ thể, là mối quan tâm, thậm chí lo lắng của học sinh và phụ huynh học sinh, năm nào cũng nói nhưng khắc phục chưa hiệu quả
Đó là vấn đề lạm thu đầu năm. Đó là việc dạy thêm, học thêm. Đó là tình trạng mất an ninh, an toàn trong môi trường học đường với nhiều vụ bạo hành của giáo viên đối với học sinh, bạo hành giữa học sinh với nhau. Các clip bị phơi bày trên mạng cho thấy học sinh có thể hành xử tàn ác với bạn mình, nhưng những học sinh bên cạnh đa số im lặng, không can ngăn, cá biệt có vụ học sinh xung quanh còn cổ vũ bạo lực. Những vụ việc này cho thấy nhiệm vụ giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách và ý thức tuân thủ pháp luật cho học trò còn nhiều bất cập.
Đặc biệt là nỗi lo lắng về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã diễn ra ở không ít nơi. Đây là loại tội phạm làm băng hoại đạo đức của môi trường sư phạm, để lại vết thương trầm trọng trong tuổi thơ của trẻ và hậu quả có khi kéo dài suốt cuộc đời. Nếu nhà trường không có biện pháp quản lý, giám sát giáo viên, nhân viên và học sinh chặt chẽ thì tội ác có thể diễn ra ở bất kỳ ngôi trường nào, ở thành phố hay vùng sâu, vùng xa hẻo lánh.
Năm học mới, hy vọng những vấn đề cũ đó được giải quyết bằng một quyết tâm mới, bằng một nhận thức mới của toàn ngành giáo dục, cùng với sự thay đổi tích cực của cả phụ huynh và mỗi học sinh, để năm học mới thực sự an toàn và hiệu quả; để mỗi ngày đến trường đối với học sinh là một ngày vui./.
Thái Vũ